Nguy hiểm tin đồn thất thiệt
11:45 - 21/04/2017
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền các thông tin về thực phẩm biến đổi gen có thể... gây ung thư, cứ như một bệnh dịch, chẳng có căn cứ khoa học nào cả!

Tin đồn xuất hiện dồn dập, người tiêu dùng hoang mang, các sản phẩm liên quan không bán được. Như tin đồn thất thiệt gần đây về ngô ngọt, "biến đổi gen", "gây ung thư", Bộ NN-PTNT chính thức khẳng định, Việt Nam không trồng ngô ngọt biến đổi gen.

Viện Di truyền Nông nghiệp VN cho biết, không chỉ riêng ngô ngọt, mà hàng loạt các loại sản phẩm lạ mắt như ổi tím, nhãn tím, cà chua đen, cũng bị gán là "biến đổi gen". Thực chất các loại hoa quả có màu sắc lạ chỉ là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống chọn lọc những đặc tính ưu việt. Do vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. (Bản tin thời sự VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 5/4).

Đấy là những tin đồn không chính xác, gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải loại trừ!

Về cây trồng biến đổi gen (chuyển gen), các nhà khoa học thế giới đặt ra nhiều kỳ vọng, như tạo loại gạo hạt vàng giàu vitamin A có thể giúp hàng trăm triệu trẻ em ở các nước đói nghèo chống suy dinh dưỡng, sáng mắt.

Chuyển gen tạo giống ngô giàu Lizin (một loại axit amin thiết yếu mà ngô bình thường thiếu. Một số đồng bào miền núi thiếu gạo phải ăn quá nhiều ngô có người bị phù thũng là vì thiếu Lizin); tạo giống hành ăn không cay mắt; tạo giống lúa chịu lạnh, hạn, mặn và tổng hợp được nitơ để hạn chế bón đạm; tạo giống cà chua, lạc giàu Omega 3...; chuyển gen tạo ra một loại muỗi đực mà khi giao phối làm cho muỗi cái vô sinh; tạo loại cỏ chế vacxin Gumboro cho gà, vân vân.

Những mong ước đó của nhân loại, mới chỉ ở dạng nghiên cứu thử nghiệm.

Sản phẩm cây trồng chuyển gen thương mại, mới chỉ phổ biến trên 4 loại cây trồng: ngô, đậu tương, bông vải và cải dầu, với hai loại gen được chuyển nạp là gen kháng sâu đục thân và gen kháng thuốc trừ cỏ. Đấy là các gen người ta tìm kiếm được trong tự nhiên, được chứng minh không có gì độc hại với con người. Mỹ là nước sử dụng cây trồng chuyển gen sớm nhất và nhiều nhất, rồi Canada, Achentina, Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc...

Với cây ngô, người ta chuyển gen kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ vào giống nền là các giống ngô lai truyền thống, chủ yếu để làm thức ăn gia súc.

Tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm thử nghiệm nghiêm ngặt, Bộ NN-PTNT mới chỉ cho phép trồng một số giống ngô chuyển gen kháng sâu (để khỏi phun thuốc sâu) và gen kháng thuốc diệt cỏ (để khỏi làm cỏ bằng cuốc bằng tay rất vất vả).

Xin nói thêm, ngô làm thức ăn gia súc hằng năm chúng ta đang phải nhập với số lượng rất lớn, như năm 2016, theo số liệu Hải quan, lên tới 8,5 triệu tấn, nhập từ Mỹ, Achentina, Brazin... Gần như toàn bộ ngô nhập là ngô chuyển gen, đều đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các loại ngô ngọt, ngô tím hay cà chua đen bán trên thị trường là những giống thông thường, thế mà gần đây bỗng nhiên bị gán cho cái mác biến đổi gen cùng lời đồn đại gây bệnh ung thư đã vô tình gây hại rất lớn cho người sản xuất.

Để tạo ra ngô ngọt, các loại quả màu tím, màu đen... phải khó khăn nhọc nhằn bền bỉ lắm các nhà khoa học mới “lai tích lũy” được những gen quy định tính trạng màu đen hay màu tím, đó là sản phẩm giàu caroten chống ô xi hóa trong cơ thể.

Những sản phẩm tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa lão hóa, chống ung thư, chứ không phải... ăn vào sẽ bị ung thư như những lời đồn thổi.

 
TRẦN CAO
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo