Xử lý nghiêm cơ sở bán cây giống không rõ nguồn gốc, tiến tới thành lập hiệp hội
11:33 - 21/04/2017
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk hiện có trên 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, tập trung chủ yếu tại các xã Hòa Thắng, Ea Tu và Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) và các huyện CưMgar, Krông Năng, Krông Păk, EaKar...

Phải xử lý nghiêm

Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, có nhiều cơ sở bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc, mạo danh giống lấy của viện để lừa khách hàng diễn ra thường xuyên nhưng đến nay vẫn chưa dẹp được.

12-41-59_5
Để tránh giống cây trồng rởm bà con nên mua ở cơ sở có uy tín

Ông Trần Vinh, Phó Viện trưởng thừa nhận có một số cơ sở bên ngoài tới viện mua hạt giống cà phê về ươm và bán cây giống, nhưng số lượng không nhiều. Khi họ ươm cây giống thì viện không thể biết số lượng là bao nhiêu nên rất khó quản lý. Ví dụ họ mua 1kg hạt giống nếu làm tốt chỉ được 1.500 cây, nhưng thực tế họ có thể "phù phép" làm hàng vạn cây…

Theo ông Vinh, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra và xử lý thật nghiêm những cơ sở bán cây giống, hạt giống không có nguồn gốc rõ ràng, không chứng minh được các vườn giống gốc cũng như các giấy tờ có liên quan về sản xuất giống.

Về việc kiểm soát các cơ sở giống kém chất lượng, ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk cho biết, hàng năm, ngành chức năng tỉnh và huyện có thanh, kiểm tra chất lượng giống cây trồng trên thị trường. Qua đó cho thấy các đơn vị đều lấy tên bảng hiệu là cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Ea Kmat (nhất là khu vực xã Hòa Thắng), dẫn đến sự hiểu nhầm cho bà con nông dân khi đi mua giống, nhầm tưởng là những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên).

Ông Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo: Để tránh tình trạng mua phải giống giả, giống kém chất lượng, khi mua cây giống, hạt giống bà con phải tìm hiểu rõ các cơ sở có uy tín. Tốt nhất bà con nên tới các viện, trung tâm nghiên cứu giống cây trồng của Nhà nước để mua. Cơ sở uy tín có vườn giống gốc, có cán bộ kỹ thuật để tư vấn và hướng dẫn bà con về giống mà mình cần mua...

“Để tránh sự lộn xộn trong việc cung ứng giống ra ngoài thị trường (giữa giống có nguồn gốc rõ ràng và giống không rõ nguồn gốc), chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở như Phòng Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt - BVTV tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Hiện đang bước vào mùa mưa, Chi cục Trồng trọt - BVTV thành lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 20 cơ sở và đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra nên chưa có báo cáo kết quả cụ thể”, ông Thích chia sẻ.  

Nên thành lập hiệp hội

Mặc dù trong thời gian qua công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đã từng bước đi vào nề nếp, các cơ sở đã cung ứng ra thị trường nhiều bộ giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Tuy nhiên, tình trạng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn trôi nổi ngoài thị trường, chưa được kiểm soát chặt chẽ (đặc biệt là giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm). Nguyên nhân do có quá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhỏ lẻ, manh mún hoạt động chui lủi...

Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý còn mỏng, kinh phí thực hiện công tác thanh, kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng còn hạn chế.

Cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm Pháp lệnh giống cây trồng

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, để kiểm soát giống cây trồng được chặt chẽ hơn nữa thì ngoài việc tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi phải có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc tuyên truyền phát hiện các hành vi gian lận của các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn.

Cũng theo ông Thích, cần thành lập hiệp hội hoặc chi hội, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giống... nhằm nâng cao năng lực về vốn, kỹ thuật, tay nghề, tạo điều kiện phát huy thực lực của mỗi cơ sở, thuận lợi cho công tác quản lý của ngành chức năng là cần thiết. Tuy nhiên việc này cần xuất phát từ nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước khuyến khích thành lập hội trên tinh thần tự nguyện...

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn An Ninh, GĐ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Tây Nguyên (Cục Trồng trọt) cũng nhất trí ủng hộ việc thành lập hiệp hội (hoặc chi hội) giống cây trồng Tây Nguyên. Bởi theo ông Ninh, hiệp hội là nơi tập hợp các nhà khoa học, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giống cây trồng, là diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của hội viên, tăng thêm niềm tin đối với người nông dân, nâng cao ý thức trách nhiệm đối cộng đồng. Hội còn là cầu nối giữa DN và chính quyền các cấp để việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống cây trồng ngày càng được quan tâm nhiều hơn nữa, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của hội viên và lợi ích của người sử dụng giống.

Pháp lệnh Giống cây trồng quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng phải có đủ các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có mặt hàng về giống cây trồng; có địa điểm kinh doanh và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với việc kinh doanh từng loại giống, từng cấp giống; có nhân viên kỹ thuật đủ năng lực nhận biết loại giống kinh doanh và nắm vững kỹ thuật bảo quản giống cây trồng và có hoặc thuê nhân viên kiểm nghiệm, thiết bị kiểm nghiệm chất lượng các loại giống kinh doanh.

NHÓM PV MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo