Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ dịch vụ tắm heo
11:10 - 21/04/2017
Ba năm qua, dịch vụ tắm heo mọc lên và hoạt động tấp nập ở thôn Hưng Long, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ngần ấy năm, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chúng tôi ghi nhận dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Hưng Long, hai bên đường các tấm biển ghi chữ “tắm heo” dựng lên san sát.

11-50-20_2
Dịch vụ tắm heo dựng lên san sát, làm cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn

Đoạn đường hơn 1km đã có 7 - 8 điểm chuyên dịch vụ tắm heo, xe chở heo ra vào tấp nập. Hầu hết các điểm kinh doanh dịch vụ nằm trên mặt tiền đường 1A và ngay trong khu dân cư, nhưng không có hệ thống xử lý chất thải hoặc có cũng như không.

Nước tắm heo thải trực tiếp ra khu dân cư, một số điểm thì nối ống thải cho nước thải chảy xuống đồng ruộng, kênh mương gần đó. Mùi hôi thối bốc lên gay gắt, ruồi, muỗi bu dày đặc.

Chị Phạm Thị Mỹ Trinh, một người dân sống gần dịch vụ tắm heo bức xúc: “Ở nhà mình nuôi vài con heo mà không có hầm biogas đã chịu không nổi rồi, thử hỏi mỗi ngày có vài chục xe chở heo vào tắm rửa, xả thải thì mùi hôi nào ai chịu nổi? Mùi hôi nồng nặc cứ thế xộc thẳng vào nhà tôi, bà con xóm giềng ăn cơm phải đóng cửa, thậm chí vừa ăn cơm vừa bịt mũi”.

Cùng cảnh ngộ, gia đình cụ Võ Mười (79 tuổi) đã 3 năm qua phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc từ cánh đồng ruộng trước nhà là nơi tập kết phân, nước tiểu của heo đen ngòm, sủi bọt, ruồi, muỗi bu kín.

“Nước rửa, nước tiểu, nước phân, lông heo tràn xuống ruộng dơ dáy, bẩn thỉu. Trời nắng thì mùi hôi bốc lên ngột ngạt, mưa xuống là nước thải chảy tràn vào vườn nhà, nước giếng múc lên cũng thấy mùi hôi. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với địa phương, nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn không có động thái gì?”, ông Mười bức xúc nói.

Chỉ tay về đám ruộng 2 sào giờ trở thành bãi tập kết nước thải của dịch vụ tắm heo gần đấy, bà Ngô Thị Nở (76 tuổi) cho hay, trước kia đám ruộng này bà trồng lúa, từ ngày dịch vụ tắm heo nối ống thả nước thải xuống đây, gia đành bà đành bỏ ruộng hoang. Do nước thải phân heo mà lúa cứ xanh tốt rồi ngã rụi, lội xuống gặt mót ít lúa về chân tay ngứa ngáy.

Không chỉ cuộc sống của người dân bị đảo lộn mà nhiều hộ kinh doanh dịch vụ giải khát, ăn uống cũng ế ẩm vì vắng khách. Nhiều khách hàng từ đi xe đạp, đến xe máy, ô tô vừa bước vào quán uống nước đã bỏ đi vì mùi hôi.

“Chúng tôi rất mong chính chuyền có giải pháp chuyển các dịch vụ này ra xa khu dân cư để trả lại không khí trong lành cho người dân sinh sông, làm ăn, buôn bán”, chủ một quán nước đối diện với một tiệm tắm heo kiến nghị.

11-50-20_1
Nước tắm heo chảy xuống đồng ruộng, kênh mương gần đó, mùi hôi thối bốc lên gay gắt, ruồi, muỗi bu dày đặc

Theo người dân nơi đây, dịch vụ tắm heo phục vụ cho những chuyến xe tải chở heo từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc tiêu thụ hoặc xuất bán sang Trung Quốc dừng nghỉ chân "giải nhiệt" cho heo. Những chiếc xe tải được thiết kế 2- 3 tầng, chở từ vài chục đến vài trăm con heo. Ngày nào cũng vậy, các chuyến xe chở heo cứ chạy qua đây rồi vào đậu ở các tiệm tắm heo tự phát để tắm rửa cho heo. Mỗi ngày mỗi tiệm phục vụ đến vài chục chiếc xe nên lượng nước thải ra môi trường vô cùng lớn.

Chất thải tích tụ lâu ngày làm đồng ruộng, mương nước trong khu dân cư đen ngòm, sủi bọt, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Phổ Châu xác nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ dân làm dịch vụ tắm heo gây ra ô nhiễm là có thật. Chính quyền đã mời các hộ kinh doanh dịch vụ này lên làm việc 2 lần, họ đã cam kết khắc phục, nhưng vẫn cứ tái diễn.

Trong buổi tiếp xúc đối thoại với nhân dân xã Phổ Châu vào ngày 26/3 vừa qua, nhận được kiến nghị của nhiều người dân ở thôn Hưng Long, Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý đã chỉ đạo xã Phổ Châu chấm dứt hoạt động kinh doanh tắm rửa heo khi các hộ kinh doanh không xử lý nước thải đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.

HẢI YẾN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo