|
Các doanh nghiệp phải bỏ ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu điều thô (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu
Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam luôn dẫn đầu ngành điều thế giới ở cả khâu nhập và xuất khẩu. Năm 2016, Việt Nam chế biến 1,5 triệu tấn điều thô, tương đương 50% sản lượng toàn cầu. Cũng trong năm này, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam xuất khẩu đạt 347.000 tấn tương đương kim ngạch 2,84 tỉ USD. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bỏ ra đến 1,6 tỉ USD để nhập 1 triệu tấn nguyên liệu chủ yếu từ châu Phi về sản xuất.
Dù dự báo sản lượng điều thế giới không giảm nhưng giá điều nhập khẩu không ngừng tăng khiến lợi nhuận thu về của ngành giảm mạnh. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập khẩu 93.000 tấn tương đương 226 triệu USD, tính ra giá nhập khẩu bình quân đến 2.430 USD/tấn, tương đương khoảng 53.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 63.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tương đương 1.630 USD/tấn, rơi vào khoảng 35.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas): Dự kiến trong năm 2017, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam sẽ xuất khẩu 360.000 tấn nhân điều, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD (tăng 3,4% về sản lượng và tăng 5,6% về giá trị kim ngạch so với năm 2016). Để đạt mục tiêu đó, ngành điều Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn điều thô. Tuy nhiên, theo Vinacas, sản lượng điều thô tồn kho trong nước tới thời điểm đầu tháng 1.2017 còn khá thấp.
Trong khi đó, hiện tại đang vào vụ thu hoạch điều nhưng do hiện tượng thời tiết ENSO đặc trưng trong năm nay, mưa trái mùa phổ biến trên diện rộng với lượng lớn nên không ít vườn điều mất trắng.
Thêm vào đó dịch bệnh phát triển, nhiều vườn điều ở địa phương bị sâu róm đỏ, bọ xít muỗi ùa vào chích hết từ lá non đến lá già, vườn chết khô y như bị cháy.
Một vấn đề nữa là diện tích điều trong nước ngày một giảm. Hiện diện tích điều ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng đang giảm rất nhanh, chỉ còn gần 73.000 ha, giảm gần 16.000 ha so với năm 2015. Đắk Lắk là địa phương giảm nhiều nhất, từ 33.292 ha năm 2015 nay chỉ còn 18.597 ha; kế đến là tỉnh Đắk Nông từ gần 20.000 ha nay giảm xuống còn 14.812 ha…
Diện tích điều giảm là do trước đây phần lớn diện tích điều được đồng bào các dân tộc sử dụng các giống thực sinh để trồng và qua nhiều năm điều đã già cỗi, thoái hóa, sâu bệnh hại phát triển mạnh, tỷ lệ đậu quả thấp nên năng suất ngày càng giảm. Thậm chí, một số vùng của Đắk Lắk như Ea Súp, Ea H’Leo 1ha điều chỉ cho thu hoạch chưa đến 1 tạ hạt.
Giá hạt điều giảm cũng là nguyên nhân khiến diện tích điều giảm sút. Theo người trồng điều, giá hạt điều trên thị trường không ổn định, liên tục giảm nên nhiều địa phương đồng bào dân tộc đã chặt bỏ cây điều chuyển diện tích đất sang trồng cà phê, tiêu hoặc các loại cây ngắn ngày khác như ngô lai, đậu đỗ. Đây là những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây điều.
Một khi điều trong nước không đủ cung ứng, chắc chắn các doanh nghiệp phải bỏ ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu điều thô từ châu Phi, Campuchia, Indonesia… Nhập khẩu nhiều, lợi nhuận sẽ giảm, chí phí vận chuyển tăng. Chưa nói, hạn chế của việc nhập khẩu điều thô là chất lượng hạt điều không được kiểm soát, kém hơn điều trong nước. Theo ông Bạch Khánh Nhựt- Phó Giám đốc Vinacontrol, lượng điều thô nhập khẩu từ Châu Phi trong năm 2016 có chất lượng giảm rõ rệt so với năm 2015. Khi về đến Việt Nam, tỉ lệ hàng hư hỏng, ẩm mốc, mọc mầm cao.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu điều chế biến của Việt Nam chủ yếu là Mỹ (35%), Trung Quốc (18%), Châu Âu, Anh (25%). Việc không thể kiểm soát chất lượng điều thô nhập khẩu rất dễ bị những thị trường nhập khẩu điều khó tính như Mỹ, châu Âu “tẩy chay” hoặc gây khó khăn cho việc xuất khẩu điều Việt Nam.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn đối mặt với rủi ro khi nhập khẩu nguyên liệu qua trung gian. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thừa nhận, họ ít khi mua được nguyên liệu trực tiếp từ châu Phi mà chủ yếu qua các thương nhân Ấn Độ nên rủi ro về chất lượng hàng nhập khẩu rất lớn. Ngoài ra, việc nhập khẩu lượng lớn điều thô kéo theo những tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp trong vấn đề thanh toán quốc tế. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã ký hợp đồng với Việt Nam nhưng không thực hiện hợp đồng hoặc trì hoãn giao hàng. Doanh nghiệp trong nước theo đó buộc phải hủy hợp đồng xuất khẩu điều nhân do không có nguyên liệu để chế biến, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. VINACAS cho rằng, tình trạng này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới nguyên liệu nội địa không đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Do vậy, đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 3 tỉ USD trong năm nay nhưng ngành điều Việt Nam hưởng lợi không bao nhiêu do phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Năng lực chế biến của doanh nghiệp còn hạn chế
Tỉnh Bình Phước được coi là thủ phủ của ngành điều, nơi có diện tích trồng điều lớn nhất nước. Nhưng theo các doanh nghiệp ở tỉnh, khó khăn lớn nhất của ngành điều tỉnh hiện nay chủ yếu là sản xuất bán thành phẩm, doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đủ vốn, không đủ nhân lực để chế biến đến sản phẩm cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas: “Chúng ta không nên coi việc nhập khẩu điều thô là bất lợi… Trái lại, việc nhập điều thô về chế biến sâu, rồi xuất khẩu, sẽ nâng giá trị từ 30 - 40%. Như vậy là tốt, chứ đâu có bất lợi”.
Theo dự báo của các doanh nghiệp thu mua điều nguyên liệu, sản lượng điều của Campuchia trong năm 2017 ước đạt 150.000 tấn, có thể đáp ứng sản lượng mà Việt Nam đang cần. Hơn nữa, chất lượng điều của Campuchia tương đương với chất lượng điều của Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến có thể thuận lợi hơn trong khâu chế biến và tránh thất thoát do hạt hư, hạt xấu và đoạn đường vận chuyển nguyên liệu cũng dễ dàng hơn so với các quốc gia trồng điều khác khi thu mua nguyên liệu từ Campuchia.
Năm 2016, sản lượng điều toàn cầu đạt hơn 3 triệu tấn; trong đó cao nhất là Ấn Độ (725.000 tấn). Tuy nhiên, Việt Nam là nước chế biến hơn 50% sản lượng toàn cầu, gấp hơn 2 lần sản lượng nguyên liệu hiện có trong nước. Công nghệ chế biến sâu sẽ là chiếc chìa khóa đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều và xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới. Khi đó, chẳng có lý do gì ngại ngần nhập khẩu điều thô.
Để ngành điều phát triển bền vững, theo các chuyên gia kinh tế cần chú trọng nguồn nguyên liệu trong nước, cải tạo giống để tăng sản lượng từ 2 tấn/ha lên 3 - 4 tấn/ha, áp dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt, sản xuất, chế biến điều. Các doanh nghiệp thu mua điều cần tiếp tục hướng dẫn nông dân thâm canh điều, ghép cải tạo các vườn điều lớn tuổi để cải thiện chất lượng hạt điều song song với nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến điều cũng đẩy mạnh hợp tác sản xuất, liên kết 4 nhà tạo vùng nguyên liệu vững chắc trong nước song song với quan hệ đa phương với các Hiệp hội hạt quốc tế, nắm vững thị trường xuất khẩu cũng như chủ động hơn về giá xuất khẩu điều. Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải thật sự đồng lòng, đoàn kết để luôn có giá tốt trong cả mua và bán.
Ngoài ra, năm 2017 diễn ra hiện tượng ENSO, các doanh nghiệp trong thời gian tới cần đầu tư thêm sân phơi, máy bắn màu để phục vụ cho phơi điều trong điều kiện thu hoạch gặp mưa, ẩm mốc; tăng cường đầu tư thiết bị rút ngắn thời lượng chế biến điều so với trước đây để xử lý kịp thời nguồn nguyên liệu nhập khẩu có độ ẩm cao.