Ngư dân chưa mạnh dạn đóng tàu thép theo Nghị định 67
16:06 - 28/03/2017
(TNNN)- Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng được tàu có công suất lớn giúp đi biển dài ngày hơn, vươn khơi xa và yên tâm hơn, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) của Chính phủ đã giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép và vỏ composite. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Chính phủ đã có kế hoạch mở gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân Việt Nam vay vốn đóng tàu cá vỏ sắt (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Kinh phí đầu tư lớn
 
 
Ưu điểm của tàu vỏ thép là độ bền cao, kín nước, dễ tạo dáng, hầm bảo quản hải sản hiện đại và có khả năng làm nhiều nhiệm vụ trên biển. Còn tàu composite có tuổi thọ đến 30 năm, chịu hà tốt, hầm bảo quản hải sản hiện đại, dễ tạo dáng. Mặt khác, ngoài những ưu điểm về mặt kỹ thuật các tàu này mang lại, thì hiệu quả kinh tế đánh bắt thực tế cũng rất cao. Mỗi chuyến tàu sắt ra khơi, ngư dân thu lãi từ 100-150 triệu đồng cùng với sự yên tâm trước thời tiết xấu.
 
 
Hiện tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ cần vốn đầu tư rất lớn. Năm 2016 Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đã thi công đóng mới 6 tàu, bàn giao 5 tàu, chủ yếu để làm nghề chụp mực, lưới vây, câu cá ngừ đại dương, làm dịch vụ hậu cần, trung bình mỗi tàu có công suất 800CV, kinh phí từ 14 - 15 tỷ đồng. Công ty CP Cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam bàn giao 3 tàu đánh cá vỏ thép lưới vây có cùng thiết kế LV286 cho ngư dân Quảng Trị, công suất 829 CV với vốn đầu tư khoảng 20,3 tỉ đồng/tàu.
 
 
Với tàu cá vỏ composite, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UninShip) thuộc Trường Đại học Nha Trang từ cuối năm 2015 đến nay có rất nhiều ngư dân miền Trung đến liên hệ, tìm hiểu và ký hợp đồng đóng tàu cá composite, công suất mỗi tàu 800 CV trở lên, giá trị từ 10 - 16 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang thi công 10 chiếc, trong khi công suất đóng tàu cá tối đa của cơ sở này là 12 chiếc/năm.
 
 
Trong khi đó, tàu vỏ gỗ thời gian đóng nhanh hơn, chi phí thấp hơn nhiều lần. Ngư dân cũng quen với việc điều khiển, sử dụng máy tàu này trong khi tàu vỏ thép lại khá xa lạ, phải trong một thời gian dài ngư dân mới sử dụng thành thạo. Bởi thế gần đây, ngư dân không muốn tham gia đóng tàu vỏ thép mà xin chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ có thiết kế và công suất lớn hơn trước đây. Điều này cũng đông nghĩa chi phí đóng thấp hơn, khả năng trả lãi ngân hàng cũng thấp hơn, thiết thực hơn với họ.
 
 
Để tàu vỏ thép và vỏ composite giảm bớt chi phí đóng mới, theo lãnh đạo các Công ty, giá thành đóng tàu công suất lớn hai loại này sẽ hạ nếu như đóng loạt hàng loạt với những mẫu đã được thiết kế sẵn theo tiêu chí vừa phù hợp với tập quán đánh bắt, vừa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, an toàn.
 
 
Về hiệu quả sử dụng
 
 
Điều đáng chú ý là hầu hết các tàu sắt đưa vào sử dụng hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả. Vì thế, gần đây, nhiều ngư dân đã bắt đầu dừng không tham gia dự án đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67.
 
 
Tại Quảng Trị, đến nay, toàn tỉnh đã có 23 tàu được đóng mới, trong đó có 11 tàu đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện Quảng Trị chỉ có một nhà máy đóng tàu vỏ thép nên việc đóng tàu gặp khó khăn, chậm tiến độ. Trong quá trình triển khai đóng mới, các nhà máy đóng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, gồm máy lái thuỷ lực, máy tời thu lưới, lưới rê bùng nhùng, lưới vây và lưới chụp mực. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng, các máy tời thu lưới này hoạt động chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt; máy lái chưa phù hợp với tàu khai thác thuỷ sản. Vì vậy, các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa, chi phí tốn kém.
 
 
Tại Quảng Ngãi, qua theo dõi tình hình sản xuất của 8 tàu vỏ thép đã đưa vào sử dụng (gồm 03 tàu hành nghề cung cấp dịch vụ hầu cần nghề cá, 05 tàu đánh bắt xa bờ) thì các tàu hành nghề hậu cần nghề cá chủ yếu cung cấp dịch vụ cho tàu cá ở vùng lộng và ven bờ, chưa tham gia cung cấp dịch vụ tại vùng khơi. Riêng tàu đánh bắt, khai thác cá bằng vỏ thép khi hạ thủy, khai thác các chuyến biển đầu tiên thường xuyên bị hư hỏng nhưng không tự khắc phục được, phải yêu cầu đơn vị đóng tàu sửa chữa dẫn đến sản lượng khai thác từng chuyến biển hiệu quả thấp.
 
 
Theo các ngư dân, mức vốn vay đóng một tàu vỏ thép cao gấp đôi và thậm chí gấp 3 lần so với tàu vỏ gỗ. Nếu vay đóng tàu vỏ thép, nợ của ngư dân với ngân hàng sẽ rất lớn, thời gian trả nợ dài, nếu khai thác không hiệu quả rất khó để trả nợ.
 
 
Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, với ngư dân, tính thiết thực và hiệu quả của tàu vỏ thép qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy không cao hơn so với tàu vỏ gỗ. Thực tế, tàu vỏ thép sản lượng khai thác cao hơn tàu vỏ gỗ nhiều nhất cũng khoảng từ 10 đến 30%, rất khó và không thể cao hơn 30%, bởi công suất tàu vỏ thép lớn hơn, có khoang chứa lớn hơn, kho lạnh tốt hơn… nhưng công nghệ đánh bắt của ngư dân trên tàu vỏ gỗ và vỏ thép đều như nhau thì làm sao năng suất ở tàu vỏ thép lại cao hơn nhiều lần được. Nếu cho rằng sau mỗi chuyến biển, ngư dân đánh bắt bằng tàu vỏ thép sẽ lãi lớn hơn gấp rưỡi hay nhiều lần tàu vỏ gỗ là thiếu thực tế. Nhưng nếu không đạt mức lãi cao hơn nhiều lần như vậy thì ngư dân sẽ rất khó khăn để trả nợ ngân hàng khi vay đóng tàu vỏ thép.
 
Để phát triển đội tàu cá vỏ thép và composite, Chính phủ đã có kế hoạch mở gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân Việt Nam vay vốn đóng tàu cá vỏ sắt để thuận tiện cho việc bám biển dài ngày. Theo Nghị định 89 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) của Chính phủ, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Thành Đại
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo