Cần chú trọng các tiêu chí mềm trong xây dựng Nông thôn mới
16:06 - 29/03/2017
(TNNN)- Thời gian qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo bước đột phá đáng kể, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên nhiều địa phương đã chạy theo thành tích thay đổi bộ mặt nông thôn với nhiều công trình, dự án xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội (bao gồm: giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn…) mà chưa chú trọng các tiêu chí mềm như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ưu tiên nguồn lực đầu tư hỗ trợ các làng nghề, tạo việc làm, xây dựng đời sống văn hóa…
Diện tích canh tác bình quân ít nên lao động thuần nông có thu nhập thấp

Trong tiêu chí tổ chức lại sản xuất, để cơ giới hóa nông nghiệp, nhiều địa phương đã có chủ trương huy động các xã viên góp vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, song việc mua máy móc dân lại không được quyết định mà phải phụ thuộc vào các quy định của chính quyền địa phương. Điển hình như tại xã Cao Dương huyện Thanh Oai TP.Hà Nội, xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp huy động xã viên góp vốn mua 2 máy làm đất và vận động nhân dân mua 1 máy gặt liên hoàn và 1 máy cấy. Tuy nhiên, khi lập dự án trình các cơ quan chức năng huyện xin được hưởng cơ chế đặc thù theo Quyết định 16/2012/QĐ-UB về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM thì không được giải quyết bởi quy định bắt buộc HTX và xã viên khi có đề án mua sắm máy móc phải mua máy mới tại Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội, có đủ hồ sơ thì mới được hưởng hỗ trợ. Quy định máy móc và cứng nhắc như vậy là không phù hợp với quy luật của thị trường, làm lợi cho một nhóm người và gây khó khăn cho bà con nông dân.
 
 
Ngoài ra, đa số nông dân hiện nay còn ở trình độ yếu và chưa cao. Trong khi đó, với giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, bản thân người nông dân phải là con người “kép”: Vừa là người sản xuất, vừa là người quản lý, người giám sát, người hạch toán. Quá trình sản xuất hiện nay như một vòng quay nhanh, khép kín, nếu thiếu các kỹ năng, tất yếu sẽ bị chệch khỏi bánh quay.
 
 
Về tiêu chí tăng thu nhập bình quân đầu người cho nông dân, tại nhiều địa phương, diện tích canh tác bình quân ít nên một bộ phận nhân dân lao động thuần nông có thu nhập còn thấp. Nhiều dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra tại Đề án xây dựng NTM vẫn "giậm chân tại chỗ" khiến các địa phương lúng túng, khó duy trì, nâng cao mức sống bền vững cho nhân dân. Sản xuất nông nghiệp một số nơi nhất là vùng xa trung tâm vẫn mang tính truyền thống là chính, do đó thu nhập còn thấp, không ổn định. Một số huyện có diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu của thành phố nên không thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ có thể sản xuất độc canh cây lúa, thậm chí có địa phương còn bỏ hoang. Số lượng mô hình, nhất là số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; việc tổ chức nhân ra diện rộng còn hạn chế. Do vậy, khó có thể hoàn thành mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân đầu người như trong bộ tiêu chí đề ra.
 
 
Ở các địa phương, tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn đã được quan tâm và có nhiều khởi sắc, dù quy trình xử lý chỉ thực hiện ở công đoạn thu gom, chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, vấn đề bất cập ở một số địa phương là lựa chọn địa điểm tập trung và xử lý rác thải chưa đảm bảo. Có nơi đặt bãi rác cạnh nghĩa trang, nơi khác lại gần khu dân cư, khiến người dân bức xúc. Chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường, nên chỉ làm để đối phó với tiêu chí.
 
 
Về tiêu chí tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương pháp đánh giá đối với tiêu chí này, dẫn đến việc các địa phương lúng túng trong thực hiện. Ở các HTX nông nghiệp, việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của HTX đối với đời sống của xã viên và người dân đến đâu, đến nay vẫn chưa được xác định đúng mức. Bởi HTX nông nghiệp thường có quy mô nhỏ (vài chục hộ xã viên), hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định, khó bảo đảm quyền, lợi ích của hộ nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
 
 
Theo ông Nguyễn Cao Phúc, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ngãi, trọng tâm của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua phương thức sản xuất và thu nhập bền vững. Do vậy, để phát huy hiệu quả thực sự và hạn chế tối đa những phát sinh không đáng có, rất cần chú trọng đến các tiêu chí mềm.
 
 
Trong thay đổi tập quán canh tác người dân, quan trọng nhất là chuyển từ lao động thủ công sang lao động quy mô hóa, hiện đại hóa. Người dân không thể tự làm mà phải cần đến doanh nghiệp. Do đó, việc đề ra các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh nhằm thu hút thực sự các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần được xem xét là nội dung chính, đòn bẩy về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.
 
 
Việc thành lập HTX, hay tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng NTM; là cơ hội, điều kiện thuận lợi để khu vực nông thôn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trong đó các tổ chức kinh tế tập thể (HTX dịch vụ nông nghiệp) vừa là một trong những tiêu chí cần đạt được, vừa là công cụ phát huy nội lực rất hiệu quả trong các kế hoạch xây dựng NTM. Vì vậy, khi đánh giá tiêu chí này cần phải có định tính cụ thể. Nếu không, cứ theo cách hiểu và đánh giá cảm tính như hiện nay, rõ ràng vai trò của kinh tế tập thể chưa được nhìn nhận đúng, do đó sẽ không được quan tâm đúng mức.
 
 
Để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập về mặt chính sách như đã nêu ở trên, Nhà nước cần tập trung rà soát, đánh giá lại các tiêu chí một cách khách quan, công bằng và có tính thực thi cao khi áp dụng tại các địa phương, vùng miền trên cả nước. Có như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 mới đạt được kết quả tốt, mang lại cho bà con nông dân đời sống thực sự ấm no, hạnh phúc.
 
Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 25,07%); có 27 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn (theo chuẩn nghèo mới) còn khoảng 7,7% và ở các huyện nghèo khoảng 26%, giảm 4% so với năm 2015.

Thế Duy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo