Đến nay công cuộc xây dựng NTM đã hoàn thành, thế nhưng ở Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn còn đó không ít điều người dân chưa thật hài lòng, thậm chí bức xúc.
Cuối năm 2015, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thời điểm đó, 10/11 xã toàn huyện đạt 19/19 tiêu chí. Cuối năm 2016, Hòa Bắc là xã duy nhất đạt 17/19 tiêu chí cũng đã về đích. Đến nay công cuộc xây dựng NTM đã hoàn thành, thế nhưng ở Hòa Vang vẫn còn đó không ít điều người dân chưa thật hài lòng, thậm chí bức xúc.
|
Người dân thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn vẫn phải sử dụng nước giếng cho đời sống hàng ngày... |
Sống chung với bụi
Hàng chục năm nay, hoạt động khai thác đất, đá tại một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang diễn ra rất sôi động. Bụi từ nổ mìn phá đá, từ các dây chuyền chế biến và nhất là vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Không ít thôn, bụi làm cho không gian mờ đục như sương, nhà sát đường không dám mở cửa. Cây cối, vườn tược liên tục bị phủ lớp bụi dày. Những con đường, ô tô ben chở đất đá tấp nập ngược xuôi nên quanh năm nắng bụi, mưa bùn.
Một ngày nắng ráo sau Tết, chúng tôi ghé nhà ông Lê Văn Tuân, trưởng thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn. Đây là thôn ô nhiễm bụi nghiêm trọng nhất ở Hòa Vang. Vừa bước vào nhà, ông Tuân đóng kín cửa rồi phân bua nhà sát đường, ô tô chở đá chạy liên tục, không đóng cửa bụi xộc vào đầy nhà. Đóng kín cửa thế này mà ngày nào bụi cũng bám đầy gường, tủ, quần áo.
“Từ năm này sang năm khác phải sống trong môi trường bụi nhiều như vậy chịu sao thấu”, chúng tôi mở đầu câu chuyện với trưởng thôn ngoài 50 tuổi này.
“Không chịu cũng phải ráng chịu. Không lẽ dỡ nhà đi nơi khác. Lâu rồi thành quen, người dân sống chung với bụi nhiều năm nay rồi. Trên địa bàn có hơn chục cơ sở khai thác đất, đá. Xe ben chạy suốt ngày đêm, đường sá nâng cấp ít lâu là hư hỏng. Ngày nắng nóng bụi mù mịt, tưới nước cũng chẳng ăn thua. Đi lại trên tuyến đường này khổ hết chỗ nói. Biết bụi nhiều nhưng phải chấp nhận xuyên qua bụi mà đi. Không ít bữa về đến nhà quần áo dính đầy bụi”, ông Tuân trút bầu tâm sự.
Sát thôn Phước Thuận là thôn Phước Hậu với 75 hộ, 318 nhân khẩu cư ngụ trong khu vực chừng 1 km2. Trên địa bàn thôn này có 3 mỏ đá, 2 trạm trộn bê tông nhựa, 1 cơ sở chế biến than đá và 2 lò gạch tuy nen quy mô lớn. Những khi các cơ sở này phát huy tối đa công suất thì khói bụi mù trời.
Ông Lưu Văn Chinh, phó trưởng thôn Phước Hậu nói, ô nhiễm môi trường là nỗi bức xúc nhất của bà con thôn này. Hai lò gạch tuy nen đốt bằng than đá, mỗi khi vào lò là y như rằng ngột ngạt khó thở. Rồi mấy cơ sở khai thác, chế biến đá, trạm trộn ở phía trên, khói bụi cứ thế xả xuống khu dân cư.
Không ít người cho rằng, bụi là điều tất yếu phải xảy ra trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đất, đá. Trước nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng các dự án, có lẽ còn lâu, người dân các thôn Phước Thuận, Phước Hậu, xã Hòa Nhơn mới có cơ hội đi lại trên con đường không bụi và được sống trong môi trường trong lành. |
Thực ra, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế bụi ở Hòa Nhơn. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến vận chuyển đá phải đóng góp kinh phí thảm nhựa tuyến đường chính dẫn vào các mỏ đá. Lắp đặt hệ thống lọc bụi và đổi mới công nghệ là yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động chế biến đá. Rồi đường vận chuyển tưới nước thường xuyên… Thế nhưng, các giải pháp này chỉ làm giảm phần nào bụi mà không thể chấm dứt hẳn.
Khát nước sạch
Nông thôn Đà Nẵng chỉ có 119 thôn với hơn 120 nghìn người của gần 33 nghìn hộ. Cấp nước sạch cho người dân là ưu tiên đặc biệt của chính quyền các cấp ở địa phương này. Tuy vậy, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đúng tiêu chuẩn(nước thủy cục) chưa cao, chỉ khoảng hơn 60%. Số còn lại vẫn phải sử dụng nước giếng, hoặc nước tự chảy từ núi cao xuống.
Không chỉ chịu cảnh ô nhiễm bụi mà ở xã Hòa Nhơn, nước sạch luôn là nỗi trăn trở của người dân. Với hơn 3.600 hộ, trải rộng trên phạm vi 15 thôn, đến nay chỉ có 4 thôn đã cấp nước sạch về từng hộ, các thôn khác chịu cảnh khát nước sạch cho dù hệ thống đường ống dẫn nước đã lắp đặt gần 1 năm nay. 2 thôn Phước Thuận, Phước Hậu, 100% hộ đều chưa có nước sạch dùng.
...trong khi đường ống dẫn nước sạch đã về tận ngõ
Nói về thực trạng này, ông Lê Văn Anh, trưởng thôn Phước Hậu đã kiến nghị nhiều, chờ đợi mỏi mắt thế mà đến nay chưa hộ nào có nước sạch. Nước ngầm tại chỗ biết ô nhiễm đó, song bất đắc dĩ cũng phải dùng. Mùa nắng nóng, giếng cạn khô, để có nước, người ta phải đi xa gánh về, khổ hết chỗ nói.
Không chỉ Hòa Nhơn mà ở xã Hòa Ninh, hơn 600 hộ cũng đang chấp nhận khát nước sạch bên hệ thống đường ống dẫn nước lắp đắt từ nhiều tháng nay. Tại một số xã đồng bằng như Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ do Công ty Cấp nước Đà Nẵng quản lý chỉ 5-6 cây số, vẫn còn hàng trăm hộ đang khát nước sạch. Trong khi nước ngầm tại khu vực này nhiễm phèn, bơm lên phải lắng lọc nhiều ngày mới có nước trong để dùng.
Qua tìm hiểu, một trong các nguyên nhân việc cấp nước sạch cho vùng nông thôn ở huyện Hòa Vang trì trệ là trách nhiệm của các đơn vị liên quan chưa cao, chưa thật sự trăn trở với khó khăn của người dân. Sự phối hợp giữa Sở NN- PTNT, đơn vị chịu trách nhiệm đáp ứng nước sạch nông thôn với Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng chưa chặt chẽ. Thủ tục lắp đặt đồng hồ nước cho từng hộ còn quá nhiêu khê, người dân phải đi lại nhiều lần…
Hệ quả là, cho dù các hệ thống cấp nước đã về nhiều thôn, song người dân vẫn khát nước sạch…
|