Buôn bán vịt thả đồng trái phép: Vì sao chưa dẹp được?
17:01 - 10/03/2017
Buôn bán vịt thả đồng trái phép, không rõ nguồn gốc ở các vùng nông thôn khu vực ĐBSCL hiện đang là mầm mống đe dọa bùng phát dịch cúm gia cầm.

Tuy nhiên, để dẹp bỏ những nơi này hoàn toàn không dễ.

Chỉ riêng tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, theo tìm hiểu chúng tôi ở đây đang có 2 cơ sở mua bán vịt thả đồng với qui mô nuôi nhốt lên đến vài trăm con, nhưng không có giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y.

Mặc dù vậy, 2 cơ này lại đang “nửa công khai, nửa lén lút” mua bán trong hơn 1 năm qua, từng bị chính quyền địa phương lập biên bản nhắc nhở rồi xử phạt hành chính, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy.

Ông Nguyễn Quang Đăng, Trưởng trạm Thú y huyện, thừa nhận, đó là 2 cơ sở mua bán vịt thả đồng trái phép ở 2 xã Thuận Thành và Phước Lâm tồn tại khá lâu, chỉ trong năm 2016, không chỉ chính quyền xã mà cả đoàn kiểm tra liên ngành huyện, mỗi lần kiểm tra là xử phạt rất “rắn”, nhưng sau khi đóng phạt xong, chủ cơ sở không “tiếp thu” mà vẫn tiếp tục hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ thú y xã Phước Lâm bất lực đứng ngoài do cơ sở ông Nguyễn Văn Tiến chốt khóa cửa

Phương thức hoạt động của 2 cở này là mua bán vịt sống sỉ và lẻ với người dân trong và ngoài địa phương vào sáng sớm và buổi chiều tối sau giờ làm việc hành chính của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi rất đau đầu về 2 trường hợp này, biết họ mua bán vịt trái phép không rõ nguồn gốc, không được tiêm phòng, có nguy cơ khả năng mang mầm mống dịch bệnh nhất là cúm gia cầm trong thời điểm “nóng” hiện nay, tuy nhiên thú y huyện chỉ có nhiệm vụ phối hợp với xã và các ngành chức năng của huyện, chứ không thể đơn phương xử phạt vì chúng tôi là viên chức, không phải công chức nên không có thẩm quyền này”, ông Đăng chia sẻ.

Điều đáng nói là, tại cơ sở mua bán vịt sống trái phép do ông Huỳnh Trí Thành làm chủ tại ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, trong năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện gồm thú y, phòng Nông nghiệp, Công an, Quản lý thị trường kiểm tra xử phạt hành chính 2 lần, một lần 2,5 triệu đồng, một lần 7,5 triệu đồng nhưng cũng không ăn thua, sau khi đóng phạt xong, chủ cơ sở vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trạm trưởng Trạm Thú y huyện, một thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành ngán ngẩm nói: “Cơ sở của ông Thành này hoạt động mua bán thủy cầm chui đến nay cũng phải hơn 1 năm rưỡi, xã nhắc nhở, huyện xử phạt, đồng thời yêu cầu buộc phải chấm dứt hoạt động, còn nếu muốn hoạt động thì phải đăng ký kinh doanh ngành nghề và xin phép ngành thú y tỉnh chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng họ không nghe, cứ thản nhiên hoạt động”.

Hôm qua (9/3), chúng tôi về xã Phước Lâm, tại đây đang có cơ sở mua bán vịt thả đồng trái phép của ông Nguyễn Văn Tiến, nằm sát bên con đường bê tông của ấp Phước Kế, nói là cơ sở nhưng thực chất bên trong chỉ có căn chòi nhỏ nằm bên cạnh cái ao rộng khoảng 150m3 để “tập kết” vịt thả đồng thu mua gom từ các nơi khác về.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ thú y xã đi cùng cho biết, trong năm 2016, xã Phước Lâm tiến hành kiểm tra cơ sở ông Tiến đã lập biên bản nhắc nhở 2 lần, sau đó quyết định xử phạt gần đây nhất là tháng 11 với số tiền là 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như ở xã Thuận Thành, cơ sở này chấp nhận đóng phạt nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Cơ sở mua bán vịt thả đồng trái phép của ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Phước Lâm, biết có người lạ đến kiểm tra nên khóa cửa bên ngoài

“Chính quyền bức xúc lắm nhưng không biết làm sao. Bản thân tôi phụ trách thú y địa bàn cũng mất ăn mất ngủ vì cái cơ sở này.

Bởi ở đây hiện có 40.000 con gia cầm, lâu nay công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh rất tốt, chưa bao giờ phát hiện dịch bệnh nên mình cũng hưởng tiếng thơm. Nay đang có dịch cúm, trong khi đàn vịt thả đồng đang nuôi nhốt tại đây lại không có giấy kiểm dịch, không được tiêm phòng, vận chuyển ở đâu cũng không ai biết luôn.

Thế nhưng, khi mình đến tận cơ sở kiểm tra đột xuất, họ biết trước nên khóa cửa bên ngoài, bên trong không có một ai. Mà muốn phá cửa vào trong để tìm hiểu cũng không được, huyện làm còn không được, huống hồ gì xã!”, ông Tâm cho biết.

“Hiện nay, qui định chuẩn hóa cán bộ thú y ở các xã phải có bằng trung cấp thú y trở lên, nên nhiều xã trong huyện như Long Phụng, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập, Tân Kim, thị trấn Cần Giuộc... không đáp ứng được tiêu chí, đành phải bỏ trống mà cán bộ khác phải kiêm nhiệm như Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông kiêm luôn cán bộ thú y. Do cán bộ kiêm nhiệm nên hầu hết không có chuyên môn thú y, không kiểm tra giám sát được dịch bệnh trên địa bàn”, ông Nguyễn Quang Đăng.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo