Vụ đại gia chuỗi cá tra biến mất:
Tiếp tục thực hiện chuỗi cá tra thì phải khắc phục những hạn chế gì?
14:34 - 15/02/2017
Thông tin vợ chồng bà chủ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco), “đầu mối thực hiện chuỗi liên kết cá tra” ở tỉnh An Giang, biến mất đang rúng động ngành cá tra ĐBSCL.

Bởi đây là chủ trương lớn của Chính phủ được tập trung nỗ lực của nhiều cấp nhiều ngành thực hiện thí điểm 3 năm qua, kỳ vọng tìm con đường đưa ngành cá tra vượt khó khăn, phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, TS Võ Hùng Dũng, bày tỏ là đang rất lo lắng cho ngành cá tra có thể lại rơi vào khó khăn hơn trước.

 

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng


Ông Dũng phân tích, cho vay theo chuỗi có ưu điểm giảm chi phí phát vay, không phải thẩm định từng khâu và tập trung được vốn cho sản phẩm cá tra chế biến. Đây cũng là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, qua trường hợp của Tafishco ở An Giang đã nổi lên vấn đề, khi cho vay theo chuỗi thì tất cả vốn ưu tiên con cá tra cuối cùng sẽ tập trung về doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, trứng dồn vào một giỏ. Đòi hỏi doanh nghiệp phải có thực lực, có tài sản tương xứng để đảm bảo vốn vay. Nói nôm na là doanh nghiệp phải “có tóc” để khi cần, ngân hàng có chỗ nắm, giữ được vốn mà phát huy chuỗi sản phẩm.

Theo ông Dũng, đòi hỏi năng lực mới trong thẩm định của ngân hàng và cả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhất là thời gian thí điểm.

Điều ông Dũng lo lắng nhất với ngành cá tra qua trường hợp Tafishco là tín dụng cho vay sẽ bị siết lại. Trước đây, thời gian 2010-2013, ngành cá tra vì thiếu niềm tin với các ngân hàng nên tín dụng cho vay bị siết lại, hàng loạt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi cá lao đao, không ít bị phá sản. Khi mở ra thí điểm hai chuỗi cá tra đã nhen nhóm nhiều kỳ vọng, nhưng chưa kịp tổng kết đánh giá ưu khuyết điểm thì trong khi chuỗi ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động tốt, còn chuỗi ở tỉnh An Giang đổ vỡ.

18-06-10_1402176
Không khí buồn thảm ở ao nuôi cá tra theo chuỗi Tafishco hiện nay
 

“Dù sao cũng mong không gây thêm khó khăn cho ngành cá tra”, ông Dũng tha thiết. Theo ông, lúc này, ngân hàng và các cấp các ngành cùng người nuôi cá tra cần bình tĩnh xem xét lại toàn bộ chuỗi để xử lý chính xác. Những câu hỏi cần được trả lời là tài chính của Tafishco có dấu hiệu xấu từ lúc nào, tại sao không kịp thời phát hiện để ngăn chặn đổ vỡ? Nếu tiếp tục thực hiện chuỗi cá tra thì phải khắc phục những hạn chế gì?

Ở tỉnh An Giang, ngày 13/2, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập “Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco”. Tổ Xứ lý gồm đại diện Sở Công thương, NN&PTNT, Văn phòng UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang.

Ngày 14/2, GĐ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa đã ký giấy mời các hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi bị Tafishco nợ hàng trăm tỷ đồng và họ cũng nợ ngân hàng số tiền lớn, sáng 15/2, họp “bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn của các hộ vay”. Theo ông Nghĩa, cuộc họp hy vọng thống nhất cơ cấu lại nợ của từng hộ để tạo thuận lợi thực hiện phương án xử lý khoản vay thí điểm đối với chuỗi liên kết cá tra Tafishco.

NGỌC DUYÊN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo