Đại gia chuỗi cá tra biến mất, nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa chỉ đạo thành lập tổ xử lý dự án chuỗi liên kết cá tra ở Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco), sau mấy tháng vợ chồng bà chủ biến mất khỏi địa phương. Nông dân và ngân hàng đang có nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng và hậu quả còn lớn hơn...
Nông dân và ngân hàng đang có nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng, và hậu quả còn lớn hơn ở chỗ đổ vỡ một kỳ vọng phát triển ngành cá tra.
Ao nuôi cá tra theo chuỗi liên kết với Tafishco đang hoang tàn
Thông cáo báo chí của UBND tỉnh An Giang cho biết, vợ chồng chủ Tafishco là TGĐ Nguyễn Thị Huệ Trinh và Chủ tịch HĐTV Nguyễn Thái Sơn. Ngày 29/11/2016, vợ chồng bà Trinh đi Trung Quốc dự hội chợ nghề cá, đến nay chưa trở về. Người được ủy quyền điều hành Tafishco là Phó TGĐ Hoàng Hữu Thành cho hay, từ ngày 20/11/2016, ông không còn liên lạc được với vợ chồng bà Trinh, cũng không biết họ đang ở đâu.
“Sau kỳ nghỉ tết, từ ngày 6/2, Tafishco khai trương hoạt động, chủ yếu gia công cho bạn hàng để nuôi công nhân”, ông Thành nói. Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Thiếu tướng Bùi Bé Tư cho biết thêm, đang xác minh các thông tin liên quan đến vợ chồng bà Trinh biến mất khỏi địa phương.
Hàng chục hộ nông dân tham gia chuỗi cá tra của Tafishco đang rất hoang mang vì có nguy cơ mất trăm tỷ đồng. Mới thống kê 12 hộ nuôi cá tra ở tỉnh An Giang đã bị Tafishco nợ 129 tỷ đồng. Và vì món nợ này mà Agribank An Giang không tiếp tục cho nông dân vay tiền mua thức ăn nuôi cá trong ao, nên hậu quả dây chuyền rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, An Giang) than thở, mấy ao cá tra của ông đang kỳ lớn, tháng trước đã đạt 6 - 7 con/kg, không có đủ thức ăn nên bây giờ cá nhỏ lại, còn 9 - 10 con/kg “mà chưa tính được cá bị hao hụt”. Đối chiếu công nợ hồi đầu tháng 12/2016, ông Tấn bị Tafishco nợ gần 12 tỷ đồng trong khi ông cũng nợ Agribank An Giang chừng đó và Agribank An Giang yêu cầu, ông muốn tiếp tục vay tiền mua thức ăn cho cá thì phải trả nợ cũ. Các hộ khác lâm cảnh tương tự.
Nợ nần lại do chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu cá tra giữa Tafishco và các hộ dân An Giang, một trong hai chuỗi sản phẩm cá tra ở ĐBSCL (chuỗi còn lại ở Đồng Tháp) thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, kỳ vọng đưa ngành cá tra phát triển. Thực hiện thí điểm từ giữa năm 2014, kéo dài trong hai năm.
Lúc đó, Tafishco chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản, vừa được Bộ Công Thương tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”, doanh số năm 2013 là 1.133 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2011).
Ông Nguyễn Văn Tấn bên ao lặng phắc vì cá tra nuôi đang chết dần do ông không còn tiền mua thức ăn cho cá
Tafishco lập dự án chuỗi liên kết sản phẩm cá tra và được các cấp thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện với nguyên tắc như sau: tiền mua thức ăn và thuốc chữa bệnh nuôi cá được Agribank An Giang cho vay theo nhu cầu; sau đó, khoản nợ này theo con cá sang Tafishco (nông dân phải bán cá cho Tafishco) và Tafishco chế biến xuất khẩu, lấy tiền từ khách hàng nước ngoài trả nợ cho Agribank An Giang.
Ưu điểm của chuỗi: tín dụng cho vay của ngân hàng không bị chia cắt theo từng khâu nuôi trồng và chế biến xuất khẩu như trước, nên có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu. Lãi suất cho vay chỉ 6,5% (thấp hơn thông thường 0,5%), khuyến khích sản xuất cá tra theo chuỗi để khắc phục sự tự phát và còn tạo nền tảng xây dựng thương hiệu cá tra, phát triển ngành sản xuất cá tra bền vững.
Các hộ nuôi cá muốn tham gia chuỗi phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về kỹ thuật và có ít nhất 30% vốn. Nhiều hộ nuôi cá tra đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, BAP để sản phẩm cá trá chế biến có thể vào thị trường Mỹ. Báo cáo hồi tháng 3/2016 của Tafishco, qua mấy vụ, chuỗi liên kết đạt kết quả tốt, người nuôi cá luôn có lời, doanh nghiệp ổn định nguyên liệu chế biến nên xuất khẩu hiệu quả cao.
Từ đó, tháng 5/2016, UBND tỉnh An Giang cho phép mở rộng chuỗi liên kết, Tafishco trở thành “doanh nghiệp đầu mối thực hiện chuỗi liên kết cá tra”. Nghĩa là, Tafishco không chỉ trực tiếp thực hiện chuỗi liên kết mà còn làm đầu mối thu hút nhiều doanh nghiệp khác tham gia. Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng vốn vay thí điểm chuỗi từ 234,7 tỷ đồng với diện tích nuôi 42ha và 8 hộ dân, tăng lên 416 tỷ đồng với diện tích 72ha và 30 hộ tham gia. Thời gian thực hiện thí điểm kéo dài đến tháng 5/2018.
Đột ngột, cuối năm 2016, vợ chồng bà chủ Tafishco biến mất. Nguồn tin từ ngành ngân hàng, tính đến tháng 11/2016, ngoài nợ nông dân bán cá, Tafishco còn nợ Agribank An Giang và một vài ngân hàng khác cùng khách hàng bao bì hơn 600 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD. Phó TGĐ Tafishco Hoàng Hữu Thành cho biết, ông chỉ nhận ủy quyền điều hành Tafishco chứ không nhận ủy quyền trả nợ và cũng không có tiền trả nợ, trước tết đã mở kho cá phi-lê đông lạnh giao cho nông dân khoảng 700 - 800 tấn để trừ bớt nợ.
Tín dụng cho vay thực hiện chuỗi có hợp đồng nguyên tắc ký tay ba: Agribank An Giang, Tafishco và các hộ dân. Tuy nhiên, sau đó còn có thêm nhiều hợp đồng và phụ lục, đều bắt buộc thực hiện theo chuỗi liên kết nhưng có những chi tiết bất lợi cho nông dân; mấy năm qua thông suốt chưa vấn đề gì, bây giờ chủ Tafishco biến mất thì xử lý khá phức tạp. Khúc mắc lớn nhất, Agribank An Giang không lấy được nợ cho vay theo chuỗi từ Tafishco như trước đây, quay lại đòi nông dân, còn nông dân không có tiền trả.
Nhiều hộ dân sau mấy tháng gửi kiến nghị đến UBND tỉnh An Giang không được giải quyết, đã gửi “đơn tố cáo” đến Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan ở Trung ương. Đơn cho rằng, Tafishco có dấu hiệu lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để chiếm đoạt tiền của dân và của cả Agribank An Giang. Các hộ dân mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ đúng sai, bảo vệ quyền lợi của người dân nuôi cá hăng hái thực hiện chủ trương của Chính phủ và bảo vệ một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm đưa ngành cá tra đi lên.