Tái canh bao gồm cả diện tích suy giảm năng suất cần phải phá bỏ để trồng mới và số diện tích năng suất bị suy giảm nhưng có thể sử dụng các phương pháp thích hợp để phục hồi...
700.000ha cà phê, so với những nước trồng cà phê nổi tiếng như Brazil hay Indonesia thì không thấm vào đâu; nhưng với diện tích này đã đưa tên tuổi Việt Nam đi khắp các châu lục với các nhãn hiệu cà phê mang tên các vùng, miền trên đất Việt...
Cà phê ngon không chỉ vì có giống ngon mà ngay cả vùng đất và bàn tay con người làm ra nó đã đóng góp phần rất xứng đáng. Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam là ngày ngành cà phê bắt đầu khôi phục và phát triển. Dù giá cả đã từng trải qua nhiều công đoạn thăng trầm, nhưng những hộ canh tác cà phê thì đời sống ngày càng được cải thiện, từ thóat nghèo đến đủ ăn và không ít người đã trở nên khá giả, giàu có.
Hạt cà phê cũng đóng góp vào GDP của Việt Nam ngày một cao. Điều đó khẳng định rằng cây cà phê đã tìm đúng chỗ đứng bền vững, lâu dài. Việt Nam cũng có chủ trương coi cây cà phê là một trong những cây chủ lực, ưu tiên đầu tư phát triển. Như các cây công nghiệp lâu năm khác, cà phê cũng trải qua thời kỳ non trẻ, trưởng thành, sung sức rồi già cỗi loại thải.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện đã có phần nửa số diện tích cà phê ở nước ta đang suy giảm năng suất, cần phải tái canh. Tái canh bao gồm cả diện tích suy giảm năng suất cần phải phá bỏ để trồng mới và số diện tích năng suất bị suy giảm nhưng có thể sử dụng các phương pháp thích hợp để phục hồi như ghép cải tạo và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để tiếp tục khai thác.
Trong thập kỷ qua, các công ty cà phê cũng như những hộ có khả năng kinh tế khá đã áp dụng các kỹ thuật này và cũng đã có khá nhiều mô hình cho năng suất cà phê nhân rất cao. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây giá cà phê đã hạ hơn trước, dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu bảo đảm năng suất cà phê nhân từ 4 tấn trở lên thì người trồng vẫn có lời và mức lời chấp nhận được. Nhưng nếu năng suất nằm ở dưới ngưỡng này và nếu tất cả các khâu canh tác đều làm bằng thủ công hay phải thuê mướn là chính thì chỉ nằm trong ngưỡng hòa vốn và có thể bị lỗ.
Vì vậy, dù được khuyến khích, các công ty cà phê rất quan tâm và các nhà khoa học thường xuyên khuyến cáo, nhưng việc tái canh cà phê có vẽ diễn ra vẫn chậm, nhất là vườn của tư nhân. Không ít hộ đã phá bỏ nương cà phê già cỗi để toan tính chuyển sang trồng tiêu, trồng bơ Booth, hay trồng ngô, hoặc một vài cây hàng hóa khác. Suy tư này cũng dễ hiểu và cũng phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên nếu bình tĩnh để xem xét hơn thiệt với tầm nhìn lâu dài thì bà con cũng cần cân nhắc cho kỹ.
Về thị trường thế giới thì ngành hàng cà phê vẫn có nhu cầu ngày càng tăng, còn cây tiêu thì gần như đã bão hòa. Mấy năm gần đây hạt tiêu có giá cao là một phần do các nước trồng tiêu truyền thống gặp phải tình trạng biến đổi khí hậu gây trở ngại, đặc biệt là thiếu nước và dịch bệnh gây hại, nên giảm sản lượng lớn. Nước ta cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng nhờ khắc phục hiệu quả nên vẫn đảm bảo được năng suất, sản lượng tiêu cao.
Tuy nhiên với diện tích tiêu kỳ vọng của Nhà nước khống chế khoảng 50.000ha mà nay đã phát triển gấp đôi thì đó chính là một mối lo không chỉ riêng ai, khi lo ngại việc thắng vụ trước thua lỗ các vụ sau như đã từng diễn ra ở nhiều vùng tiêu như Chư Sê, Cư’Mgar, Cư Kuin hay EH’leo ở Tây Nguyên... Vì vậy bà con nếu không kìm hãm được ý muốn chuyển đất sang trồng tiêu thì cũng chỉ nên làm ở mức vừa phải và vẫn cứ tái canh cà phê.
Lịch sử trong gần 40 năm kể từ ngày có chính sách mở rộng và phát triển cây cà phê thì chưa có hiện tượng cà phê bị mất trắng hay chưa có hiện tượng dịch hại nghiêm trọng đối với cà phê trên diện tích rộng. Nhưng với cây tiêu thì đã có nhiều. Càng mở rộng diện tích tiêu ra những vùng không thích hợp, và do giá tiêu tăng cao, không ít bà con bất chấp mọi giá, ít chú ý đến môi trường và dịch bệnh trên tiêu thì hậu quả có thể sẽ không lường trước được.
Cũng có người cho rằng tái canh cà phê cần nhiều vốn, thời gian từ khi chặt bỏ cà phê rồi còn phải để cách ly vài năm, sau đó tiếp đến 3 năm kiến thiết cơ bản mới cho thu hoạch, mà giá cả thiếu hấp dẫn nên không mấy ai mặn mà. Cũng có người nói thiếu vốn nên không đủ năng lực, trong lúc thủ tục vay vốn phức tạp, mức được vay lại không đủ để đầu tư.
Thực tế thì vẫn có nhiều hộ có khả năng tự giải quyết được vốn. Bằng chứng là ở Đắk Lắk từ năm 2011 - 2015 đã có 14.000ha cà phê được tái canh mà không vay vốn ngân hàng. Phải chăng khó về mặt tư tưởng vẫn là trở ngại lớn nhất với việc tái canh cà phê?