Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 17/QĐ-BCT, ngày 4/1/2017, bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT, ngày 28/8/2013 phê duyệt quy hoạch khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối được phép xuất khẩu gạo.
Từ nay, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo, không phải “xin” vào quy hoạch nữa.
Ông Huỳnh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) là kỹ sư cơ khí, chuyên canh 8 ha lúa và có nhiều sáng tạo trong sản xuất, thường suy nghĩ tìm cách nâng cao giá trị hạt lúa.
|
Ông Huỳnh Kim Hải |
Trong tình hình xuất khẩu gạo khó khăn hiện nay và Bộ Công thương có kế hoạch sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, ông bày tỏ: "Theo tôi, Quyết định 17 đã cởi trói cho doanh nghiệp nhỏ thoát khỏi những ràng buộc vô lý (khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu…) để tham gia mua bán lúa gạo cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Tuy nhiên, nó chưa cởi trói cho hạt gạo Việt Nam".
Lý do nào ông nhận xét như vậy? Việc tăng số lượng doanh nghiệp mua bán lúa gạo giúp tăng tính cạnh tranh, nhưng cạnh tranh có 2 mặt: Có thể làm tăng giá mua lúa trong nước, nhưng cũng có thể tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong việc bán phá giá gạo xuất khẩu.
Để chống lại việc cạnh tranh bán phá giá gạo xuất khẩu, Điều 19 của Nghị định 109 đưa ra giá sàn gạo xuất khẩu. Theo đó, phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu theo các nguyên tắc: Phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và thế giới; phù hợp với giá lúa định hướng được công bố, mặt bằng giá mua lúa, gạo hàng hóa trong nước, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Giá sàn bán gạo xuất khẩu phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới là chấp nhận được, nhưng nhiều lúc không thể phù hợp với diễn biến thị trường trong nước được. Bắt giá sàn xuất khẩu gạo phải “phù hợp với diễn biến thị trường trong nước” là bắt nông dân phải dùng thu nhập để trợ giá cho người ăn gạo trên thế giới!
Giả sử, giá gạo trong nước và thế giới đang ở mức 500 USD/tấn. Bỗng nhiên, giá gạo thế giới tăng lên 600 USD/tấn. Vậy để giá sàn gạo xuất khẩu “phù hợp với mặt bằng giá mua lúa, gạo hàng hóa trong nước” nên khống chế giá gạo xuất khẩu ở mức 500 USD/tấn chăng?
Rõ ràng, quy định giá sàn xuất khẩu phù hợp với giá lúa định hướng đang khống chế giá gạo xuất khẩu. Nghị định 109 quy định giá lúa định hướng căn cứ vào giá thành sản xuất lúa và được Bộ Tài chính ấn định. Cụ thể, chúng ta có thể lập công thức tính giá lúa định hướng như sau: Giá lúa định hướng cao hơn giá thành sản xuất lúa cộng với 30% giá thành sản xuất lúa. Giá lúa định hướng cao hơn, nhưng không biết cao hơn cụ thể bao nhiêu, nên giả sử, nếu giá thành cộng với 30% được 5.000 đồng/kg, thì giá lúa định hướng 5.001 đồng/kg là đúng luật.
Từ giá lúa định hướng, tính ra giá gạo định hướng và suy ra giá sàn gạo xuất khẩu. Theo đó, giá sàn gạo xuất khẩu bằng giá gạo định hướng cộng với chi phí xuất khẩu và lợi nhuận của VFA. Nếu giá gạo thế giới tăng, người trồng lúa rất dễ bị ép giá, sẽ bị thua thiệt.
|
Cần cơ chế mới cho hạt gạo (Ảnh minh họa) |
Dù sao, người trồng lúa có lời ít nhất 30%, cũng thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá lắm khi dẫn đến lỗ vẫn thường diễn ra? Nhưng đó là mức lời đang bần cùng hóa nông dân làm lúa. Chúng ta tính ra giá sàn xuất khẩu gạo thì các nước nhập khẩu gạo họ cũng tính được giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Có giá sàn xuất khẩu gạo Việt Nam trong tay, Philippines chẳng cần thương lượng để mua gạo Việt Nam mà họ tổ chức đấu thầu. Đấu thầu nhưng không phải bỏ thầu rẻ nhất là thắng thầu, mà phải rẻ hơn mức giá trần mà Philippines ấn định.
Nếu VFA nói giá trần Philippines đưa ra thấp, họ sẽ đưa chứng cứ căn cứ vào chính giá sàn của chúng ta. Ngày 31/8/2016, Philippines mở thầu đấu giá gạo với mức giá trần giao tới kho của Philippines là 425 USD/tấn, mức giá chào thầu của Việt Nam là 426,75 USD/tấn và Thái Lan là 426 USD/tấn nên đã bị Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) bác bỏ toàn bộ. Trong lần bỏ thầu thứ 2 Việt Nam thắng thầu 150.000 tấn gạo với giá 424,85 USD/tấn.
Không định giá sàn thì cơ chế xuất khẩu gạo nên như thế nào? Theo ông Hải, chúng ta định giá sàn để cho các nước nhập khẩu gạo ấn định giá gạo họ mua, như thế là cung cấp công cụ cho nước nhập khẩu gạo để khống chế giá gạo xuất khẩu của ta.
Theo ông, đó là sai lầm nghiêm trọng của Nghị định 109. Sai lầm của Nghị định 109 khiến cho xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn và năm 2016 xuất khẩu gạo thất thủ. Xuất khẩu gạo năm 2016 ước đạt 4,88 triệu tấn, tương đương 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.
Xuất khẩu gạo năm 2017 dự kiến cũng khó khăn không kém, khi VFA không đưa ra một con số dự báo xuất khẩu cho cả năm và đề nghị được mua tạm trữ lúa vụ đông xuân 2016 - 2017. Mua lúa tạm trữ thì giá lúa sẽ tiệm cận với mức lời 30% so với giá thành, lời 30% so với giá thành là mức lời theo ông Hải đang bần cùng hóa nông dân làm lúa.
"Theo quan điểm của tôi, Nghị định 109/2010NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo còn tồn tại thì nông dân còn nghèo. Đã đến lúc xóa bỏ Nghị định này, xây dựng một cơ chế xuất khẩu mới cho hạt gạo Việt Nam, trong đó, Việt Nam phải lấy lại quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu", ông Huỳnh Kim Hải.