Đẩy mạnh liên kết nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp
15:48 - 20/01/2017
(TNNN)- Thời gian qua, mô hình tổ hợp tác nông dân liên kết ngang “Nông dân với nông dân”, liên kết dọc “Nông dân với doanh nghiệp” đã thực hiện chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, giúp các hộ nông dân đoàn kết, liên kết trong sản xuất, trao đổi khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, mở ra hướng đi, tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.
Liên kết giữa nông dân với nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. (Nguồn: Thanhnien.vn)


Liên kết giữa nông dân với nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Chỉ như vậy, nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
 
 
Điển hình về mô hình liên kết ngang nông dân với nông dân là mô hình tổ liên kết hợp tác chăn nuôi bò tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ năm 2014, một số thanh niên đã thành lập mô hình tổ liên kết hợp tác chăn nuôi bò đem lại hiệu quả cao. Tổ hợp tác chăn nuôi bò do anh Trần Hoài Anh làm tổ trưởng hoạt động theo hình thức tự nguyện tham gia. Theo đó, mỗi thành viên trong tổ sẽ tự bỏ tiền ra mua con giống và tự quản số lượng bò của mình. Các hộ nuôi riêng nhưng có trách nhiệm chung trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bảo vệ và phòng ngừa dịch bệnh. Mỗi tháng, tổ sinh hoạt một lần, nội dung sinh hoạt tập trung vào các vấn đề như thông tin thị trường, định hướng sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn bò và đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để tìm cách tháo gỡ.
 
 
Hiện nay, tổ hợp tác này đã có 45 con bò gồm bò lấy sữa, bò thịt, bê giống với hệ thống chuồng trại bảo đảm yêu cầu… Điểm nổi bật của tổ hợp tác là các thành viên trong tổ có thể chia sẻ con giống, nguồn cỏ, chuồng trại với nhau. Ngoài ra, những thành viên có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sẽ tiến hành tư vấn cho các thành viên mới bắt đầu nuôi bò cách chọn con giống, cách phòng bệnh hay là việc dự trữ thức ăn cho bò… Hiệu quả bước đầu số lượng bò ngày càng tăng, các thành viên trong tổ hợp tác đều có nguồn thu nhập ổn định, trung bình khoảng 100 đến 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, tổ hợp tác còn tạo công ăn việc làm cho 5 thanh niên trên địa bàn xã với mức thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng.
 
 
Trên cơ sở liên kết ngang, sẽ có một lượng nông dân nhất định cùng tổ chức thực hiện sản xuất. Những yếu tố liên kết ngang của nông dân đều bắt nguồn từ yêu cầu thị trường, đó cũng là cơ sở để hình thành các liên kết dọc với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, cung ứng, quản trị chuỗi, quản lý thương hiệu sản phẩm. Chất lượng, số lượng, giá thành sản phẩm đưa ra thị trường được doanh nghiệp và nông dân cùng liên kết thực hiện đồng nhất, quản trị từ khâu sản xuất đến khâu phân phối và người tiêu dùng.
 
 
Mối liên kết dọc nông dân với doanh nghiệp bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn.
 
 
Điển hình như mô hình liên kết trong chăn nuôi, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ; còn nông dân nhận khoán và được hỗ trợ quá trình sản xuất chăn nuôi… Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết.
 
 
Với liên kết chăn nuôi gia công, các chủ trang trại hầu hết đều có lãi do không phải lo về đầu ra và giá cả. Sau một thời gian, các chủ trang trại chăn nuôi đều học hỏi và tiếp cận được với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến sau khi hết hợp đồng gia công.
 
 
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong cả nước thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói chứ không có thương hiệu của mình. Vì vậy, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Những doanh nghiệp này cũng không thể liên kết với nông dân được. Họ không có các yếu tố ổn định để liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro. Do vậy, nông dân chỉ nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro…
 
 
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiêp. Qua thực trạng liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay đã khẳng định doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết.
 
Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 10.000 HTX nông nghiệp (trong đó chủ yếu là HTX trồng trọt, chăn nuôi) và khoảng 140.000 tổ hợp tác với trên 2,3 triệu thành viên tham gia. Tổ hợp tác hình thành và phát triển rộng khắp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tuy nhiên tập trung lớn vẫn là trong nông nghiệp.

Thiên Sơn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo