Tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng chưa giảm
15:48 - 20/01/2017
(TNNN)- Tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của người dân, hệ lụy xa hơn là làm cho nông nghiệp và nông dân kiệt quệ.
Tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng khiến bà con nông dân bức xúc.

Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thắt chặt quản lý thị trường phân bón, nhưng hiện nay, thị trường này vẫn hỗn loạn bởi hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, sau 10 năm nhìn lại, thị trường phân bón trong nước vẫn chưa được cải thiện. Với khoảng 5.000 chủng loại phân bón, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác vẫn tràn lan, thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. "Đây là nền phân bón tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng gì cụ thể, riêng TP. HCM có 491 cơ sở sản xuất, cả nước trên 1.000 cơ sở sản xuất. Chưa có một nước nào có số lượng cơ sở sản xuất nhiều đến vậy".
 
 
Trong khi đó, các nước tiên tiến ở châu Âu chỉ cần 30 - 40 loại. Ngay cả những nước láng giềng như Thái Lan cũng chỉ có 100 loại phân bón với 4-5 công ty sản xuất lớn. Trong khi chủng loại phân bón của Việt Nam gấp 50 lần Thái Lan với hàng nghìn cơ sở sản xuất.
 
 
Tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng khiến bà con nông dân bức xúc. Bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, kém chất lượng, dùng xong, hậu quả mất mùa nông dân mới biết.
 
 
Tình trạng phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà ngay cả những doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.
 
 
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón về rồi pha trộn, tạo thành sản phẩm mới bán cho nông dân. Thuốc BVTV hiện nay như một ma trận với muôn hình vạn trạng. Ngay cả các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng vì hám lợi mà tiếp tay cho cách làm ăn gian dối.
 
 
Thêm vào đó, cơ chế quản lý, quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với lĩnh vực phân bón hiện nay còn cho thấy có rất nhiều bất cập. Mặt hàng phân bón có đến 2 đơn vị quản lý. Ngành nông nghiệp chỉ được giao quản lý phân bón hữu cơ (chiếm 10% tỷ lệ phân bón). Trong khi đó, ngành công thương lại được quản lý phân bón vô cơ, chiếm đến 90% tỷ lệ phân bón. Cộng với mức phạt hành chính chưa đủ sức răng đe tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng hoành hành.
 
 
Hiện đang có tình trạng một số doanh nghiệp tự ý đưa các giống cây trồng mới, giống cây trồng nhập nội vào khảo nghiệm sản xuất thử; tổ chức các hoạt động quảng bá, hội thảo, hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm vật tư nông nghiệp mà chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Điều này đã tạo cơ hội cho những loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt và bùng phát các đối tượng dịch hại nguy hiểm.
 
 
Ông Đoàn Trí Vững - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả kém chất lượng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đa số các vụ vi phạm thuộc về việc ghi nhãn mác hàng hóa không đúng với bản chất hàng hóa của phân bón. Cụ thể, phân bón ngoài việc làm giả nhãn mác, bao bì các thương hiệu nổi tiếng được người dân tin dùng, các doanh nghiệp còn chủ động “cắt xén” hàm lượng dưỡng chất trong sản phẩm. Nhiều sản phẩm phân bón được sản xuất trong nước nhưng lại được gắn mác nước ngoài, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có phụ đề bằng tiếng Việt... Ngoài ra, lợi dụng sự thiếu thông tin về thị trường của bà con nông dân, các đối tượng kinh doanh hàng giả đưa phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm giả về vùng nông thôn tiêu thụ. Để hàng hóa tiêu thụ dễ dàng, ngoài giá rẻ, các đối tượng còn áp dụng khuyến mãi “khủng” để thu hút người tiêu dùng.
 
 
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp: “Đối với phân bón giả, kém chất lượng, việc kiểm tra, phát hiện sẽ lâu hơn so với thuốc BVTV giả kém chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế để xác định nhanh chóng đâu là sản phẩm giả, kém chất lượng thì ngành chức năng cũng khó phân biệt, bởi không thể nhận biết bằng mắt thường. Để chính xác chỉ có cách phải gửi mẫu đi phân tích. Đây cũng là một trong những khó khăn của chúng tôi trong công tác quản lý về sản phẩm phân bón, thuốc BVTV giả kém chất lượng”.
 
 
Tại Phú Yên, tình trạng gian lận, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các vi phạm chủ yếu như không thực hiện công bố hợp quy, hợp chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, nhái bao bì của doanh nghiệp sản xuất uy tín, chất lượng không đúng như đã công bố, sản phẩm không có trong danh mục được phép sử dụng hoặc bị cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc...
 
 
Một cuộc kiểm tra đột xuất việc kinh doanh giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của Đoàn kiểm tra liên ngành tại 32/39 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) mới đây đã phát hiện và lập biên bản 18 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 62% tổng số cơ sở bị kiểm tra, với số tiền phạt là 60,5 triệu đồng. Điều quan ngại nhất là có đến 10 cơ sở vi phạm về nhãn mác, sản phẩm có chữ viết không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa theo Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, chiếm tỷ lệ 34%. Có 8 cơ sở kinh doanh phân bón có nội dung ghi trên nhãn hàng hóa không phù hợp, nhất là các loại phân bón dưới dạng ghi super lân, vôi, canxi hoặc lân vôi… hàm lượng lân hữu hiệu rất thấp, từ 0,19% đến 0,5%. Có những loại không có hàm lượng lân nhưng lại ghi thành phần nguyên liệu super lân 15-16% để lừa nông dân nhưng vẫn có chứng nhận hợp quy của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Nam Trung bộ (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp. Theo tìm hiểu của đoàn kiểm tra, các loại phân nói trên chủ yếu xay từ đá Dolomit. Bên cạnh đó, còn có các vi phạm khác như hàng hóa hết hạn sử dụng…
 
 
Để sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả, người dân phải hiểu được cây trồng, vật nuôi cần gì. Tuy nhiên, người dân không nên xem thuốc là biện pháp điều trị duy nhất mà nên hạn chế sử dụng, không sử dụng các chất cấm theo quy định của Bộ NN-PTNT. Nếu sử dụng vật tư nông nghiệp, bà con nên đến các đại lý uy tín, lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu; đặc biệt lưu ý đến các thông số ghi trên bao bì như nhà sản xuất, nguồn gốc, khuyến cáo và hạn sử dụng… Nếu có vướng mắc, người dân phải đến các cơ quan chức năng liên quan để được tư vấn, hỗ trợ. Nếu nghi ngờ, bà con nên báo tin để cơ quan chức năng kịp thời tiến hành kiểm tra. Bà con nông dân cũng mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhằm tránh cho nông dân phải gánh chịu những thiệt thòi quá lớn từ tình trạng này.
 
 
Chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý, theo dõi sát sao, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán giống, phân bón vật tư nông nghiệp kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người nông dân.
 
 
 

Ngọc Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo