Khó kiểm soát vật tư đầu vào nông nghiệp
15:57 - 27/12/2016
(TNNN)- Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa có ý nghĩa then chốt đối với sản xuất, góp phần tạo sản phẩm theo chuỗi, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, do còn nhiều cơ sở kinh doanh các loại VTNN nhỏ, lẻ, manh mún, hoạt động theo thời vụ, nên công tác quản lý Nhà nước về các loại VTNN còn hạn chế.
Hiện tượng gian dối trong sản xuất và cung ứng VTNN như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, hàng ngoài danh mục vẫn tái diễn (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, những năm qua đã xuất hiện các hiện tượng gian dối trong sản xuất và cung ứng VTNN như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, hàng ngoài danh mục nhưng các cơ quan chức năng chưa đủ điều kiện để giám sát một cách thường xuyên và chặt chẽ để ngăn ngừa các hành vi gian dối này có hiệu quả.
 
 
Tại Long An, hầu hết người trồng lúa đều phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng và điều trị các sâu, bệnh trên lúa như: Sâu cuốn lá, đạo ôn, lem lép hạt,... Tuy nhiên chỉ riêng đối với bệnh lem lép hạt hay đạo ôn, các đại lý giới thiệu hàng chục loại thuốc khác nhau có nhãn mác gần giống nhau, nông dân rất khó phân biệt.
 
 
Hiện tình hình kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật khá phức tạp, cùng một công dụng, chức năng nhưng có tới hàng chục mặt hàng khiến nông dân rất khó phân biệt. Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Toàn cho biết, hiện nay, công tác kiểm tra, quản lý khoảng 40 cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y, thủy sản và khoảng 200 cơ sở kinh doanh hoạt động trên toàn tỉnh rất khó khăn. Ngoài thiếu lực lượng chuyên trách, từ năm 2013, danh mục được phép lưu hành đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thủy sản không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cũng gây khó khăn trong công tác kiểm tra. Riêng về danh mục thuốc thú y, cơ quan chức năng chỉ mới ban hành vào tháng 7-2016.
 
 
Thanh tra Sở đã phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành cũng như thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và tạm giữ rất nhiều sản phẩm, có tới cả trăm mẫu không có trong danh mục được phép lưu hành. Tuy nhiên, việc xử phạt rất hạn chế, có khi chỉ có một vài trường hợp vi phạm bị xử lý, do hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chỉ cần có văn bản của Tổng cục về việc xác nhận sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành, trong khi lực lượng thanh tra không có các văn bản này để đối chiếu, còn danh mục sản phẩm thì Bộ chưa ban hành.
 
 
Tại Tiền Giang, trong nuôi trồng thủy sản, giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản là những loại vật tư nông nghiệp không thể thiếu và quyết định hiệu quả của vụ nuôi. Tuy nhiên, do việc sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp này mang lại lợi nhuận rất cao nên rất nhiều doanh nghiệp “nhảy vào” đầu tư lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Kết quả là hiện trên thị trường có hàng trăm loại giống thủy sản, hàng ngàn sản phẩm thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản đang lưu thông với chất lượng “vàng thau lỗn lộn” khiến người nuôi thủy sản khó phân biệt được đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm kém chất lượng.
 
 
Trong mỗi vụ nuôi thủy sản, con giống tốt quyết định đến 50% sự thành công. Tuy nhiên, theo bà con, khi mua giống thì cơ sở nào cũng nói có giấy chứng nhận kiểm dịch rõ ràng, thậm chí nhân viên các công ty sản xuất giống này còn cho người nuôi xem giấy kiểm dịch nhưng vật nuôi chết vẫn cứ chết.
 
 
Đối với thức ăn thủy sản và thuốc thú y thủy sản, theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 100 cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản và thuốc thú y thủy sản với gần 1.000 loại sản phẩm được bán tại các cơ sở này. Bên cạnh đó, tình trạng công ty sản xuất thức ăn bổ sung, thuốc thú y thủy sản cho nhân viên trực tiếp xuống hộ nuôi thủy sản (không qua đại lý) điều trị và bán sản phẩm trực tiếp cho ao nuôi với chất lượng không rõ tốt xấu khiến cho người nuôi thủy sản lúng túng, còn ngành chức năng khó quản lý những đối tượng này. Các đối tượng kinh doanh theo kiểu trực tiếp này đi sâu vào các ngõ ngách tận các ao nuôi, không có kho chứa, không có địa điểm cụ thể theo kiểu bán dạo nên rất khó kiểm tra xử lý.
 
 
Tại Thái Nguyên, công tác quản lý giá các mặt hàng VTNN vẫn còn bỏ ngỏ. Cùng với giá giống cây trồng, giá giống vật nuôi cũng trong tình trạng quản lý còn lỏng lẻo. Theo qui định thì các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm kê khai giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng về Sở Tài chính và phải bán theo giá đã đăng ký. UBND tỉnh chỉ phê duyệt giá giống một số loại cây trồng như: chè, cây lâm nghiệp..., còn lại do các đơn vị tự xây dựng phương án giá và gửi đăng ký giá đến Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp - PTNT. Trong trường hợp nếu có biến động bất thường về giá hoặc có ý kiến phản ánh của người dân về việc giá bán của các doanh nghiệp không đúng với giá đăng ký, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, làm rõ.
 
 
Trên thực tế, còn nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm lỗi không có biển hiệu kinh doanh, nhãn hàng hóa ghi chưa đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại được bày bán chung với các loại hàng hóa khác. Đa phần các cửa hàng, đại lý đều không niêm yết giá công khai theo quy định của Nhà nước. Cùng với đó, do mức xử phạt các lỗi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều trường hợp đã bị xử phạt rồi nhưng vẫn tái phạm.
 
 
Thiết nghĩ, để quản lý hiệu quả vật tư nông nghiệp, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng và các địa phương cũng cần phối hợp làm tốt công tác thông tin tuyên truyền các văn bản liên quan đến việc kinh doanh vật tư nông nghiệp để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; đầu tư trang thiết bị và bố trí kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
 
 
 

Thiên Sơn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo