Tái canh cây cà phê còn chậm
15:57 - 27/12/2016
(TNNN)- Hiện nay, những vườn cây cà phê già cỗi, năng suất thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông dân và ngành cà phê. Tuy nhiên, do chính sách tín dụng vẫn còn nhiều bất cập nên nhiều hộ trồng cà phê khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư trồng tái canh cà phê. Thậm chí, một số hộ không còn thiết tha với nguồn vốn này.
Tái canh cây cà phê là giải pháp được khuyến khích nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế (Ảnh minh họa)


Tây Nguyên được mệnh danh là "thủ phủ" cà phê của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tây Nguyên hiện có trên 573.000ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước, phần lớn diện tích tái canh thuộc về các nông hộ và chỉ có khoảng 10% là diện tích cà phê từ các doanh nghiệp quốc doanh. Vì vậy, tái canh cây cà phê là giải pháp được khuyến khích nhằm đưa giống mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp cải thiện năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
 
 
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây cà phê, từ năm 2013, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình tái canh diện tích cà phê áp dụng cho vườn cây trên 20 năm tuổi, năng suất dưới 1,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, Ngân hàng NN&PTNT - Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao giữ vai trò chủ lực trong việc giải ngân vốn vay ưu đãi trong quá trình tái canh cà phê.
 
 
Theo đề án, từ năm 2014 – 2020, cả nước trồng tái canh khoảng 120.000 ha cà phê, trong đó, trồng tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum).
 
 
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đến cuối tháng 3 năm 2016, Ngân hàng mới giải ngân cho vay được 758,13 tỷ đồng, diện tích tái canh là 9.479 ha, với 5.932 khách hàng, gồm 9 tổ chức và 5.923 cá nhân được vay vốn trong tổng số gói vay cho tái canh cà phê là 12.000 tỷ đồng cho vùng Tây Nguyên. Trong đó, dư nợ cho vay thực hiện trồng tái canh chỉ có 213,3 tỷ đồng (9 tổ chức, 1.428 cá nhân, với diện tích trồng tái canh 2.297 ha), còn lại là dư nợ cho vay tái canh theo phương pháp ghép cải tạo.
 
 
Tại Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 18.554/93.100 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp cần tiến hành tái canh và ghép cải tạo, chiếm tỷ lệ 19,93% tại 10 huyện và thành phố  như: TP. Pleiku, huyện Ia Grai, huyện Chư Pah, huyện Chư Prông, huyện Đak Đoa... Giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh trồng tái canh trên 3.624 ha cà phê. Trong đó, nhân dân là trên 2.772 ha, doanh nghiệp 852 ha.
 
 
Mặc dù được hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng chủ trương tái canh lại gặp phải không ít rào cản, trở ngại. Hiện nguồn vốn vay cho việc tái canh cây cà phê của Ngân hàng Agribank Gia Lai không hạn chế, mức lãi suất chỉ 6,5%/năm. Mỗi héc-ta cà phê được vay 150 triệu đồng (4 năm đầu ân hạn trả nợ gốc và lãi), thời hạn cho vay kéo dài 8 năm đối với phương pháp trồng tái canh và cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay 4 năm (2 năm đầu ân hạn trả nợ gốc và lãi) đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê. Tuy nhiên, nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp này vẫn bị người dân thờ ơ, không muốn tiếp cận để phục vụ tái canh, trong khi ngân hàng luôn sẵn sàng vốn để cho vay.
 
 
Theo ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Ngân hàng Agribank Gia Lai, nguyên nhân của tình trạng này là do quy trình tái canh mà Bộ NN&PTNT ban hành, người dân phải luân canh đất, trồng đậu, bắp… để cải tạo đất hai năm sau khi phá bỏ cà phê thì mới được vay vốn. Theo cách tính của nông dân, 2 năm cải tạo đất cộng với 3 năm chăm sóc thì người dân phải chờ đến 5 năm sau mới có thu hoạch và mỗi năm như vậy phải mất nguồn thu rất lớn.
 
 
Bên cạnh đó, điều kiện để tái canh cần phải có xét nghiệm về tuyến trùng, nấm trong đất và nguồn giống cây trồng phải được các cơ quan trực thuộc Bộ hoặc Sở NN&PTNT các địa phương công nhận thì mới được tiếp cận vốn vay.
 
 
Trồng tái canh cà phê đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trên 150 triệu đồng/ha, trong khi tài sản trên đất của nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, gây khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp. Mặt khác, nhiều nông hộ không có “sổ đỏ” để thế chấp hoặc có nhưng đã thế chấp ở ngân hàng khác để vay vốn trước đó nên không còn tài sản bảo đảm thế chấp vay vốn tái canh cà phê. Giá trị tài sản của nông dân được thẩm định cho vay thấp hơn giá thị trường và ngân hàng thương mại nên cũng không thu hút được các nông hộ vay vốn để đầu tư tái canh cà phê.
 
 
Bên cạnh đó, giá cà phê nhân không ổn định, có lúc xuống thấp ngang với giá thành sản xuất nên không tạo được động lực cho các nông hộ đầu tư trồng tái canh.
 
 
Về phía Ngân hàng, đề án trồng tái canh chỉ mới hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích nằm trong diện quy hoạch, trong khi đó, các tỉnh chỉ có quy hoạch chung, chưa có quy hoạch chi tiết nên Ngân hàng Agribank ở các địa phương chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay.
 
 
Đáng lo ngại nhất là việc người dân ko tiếp cận được vốn vay ưu đãi nên nóng vội đã tự ý tái canh không đúng quy trình, khiến cây dễ nhiễm bệnh về tuyến trùng, độc tố. Tuy nhiên, việc tái canh là quyền quyết định của người dân nên rất khó can thiệp. Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên, nếu tái canh cà phê không đúng quy trình thì cây trồng rất dễ nảy sinh bệnh vàng lá, thối rễ, dẫn đến việc cây sinh trưởng kém và năng suất, sản lượng thấp, thậm chí cây chết sớm. Một vài năm đầu, có vẻ cây phát triển bình thường, nhưng từ năm thứ 3 trở đi thì mới thấy rõ sự khác biệt giữa làm theo hướng "rút ngắn thời gian" và theo quy trình.
 
 
Để tái canh hiệu quả thì việc thực hiện đúng quy trình là tất yếu. Cà phê sau tái canh đều có hiệu quả kinh tế hơn từ 2 đến 3 lần so với trước. Giải pháp tốt nhất là vận động người dân thấy được vấn đề và tiến hành luân canh theo quy trình để đạt hiệu quả cao.
 
 
Các Sở Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường công tác tuyên truyền về tái canh cây cà phê, đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng tái canh cây cà phê theo đúng quy trình ban hành và chỉ đạo các ngân hàng nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn nông dân quy trình thủ tục vay vốn để nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách thuận lợi nhất.
 
 
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nâng mức cho vay tối đa tăng lên 200 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng tái canh (tăng 50 triệu đồng) và 100 triệu đồng/ha đối với phương pháp ghép cải tạo cho cà phê (tăng 20 triệu đồng so với mức cho vay trước đây), nâng thời hạn cho vay từ 8 lên 10 năm đối với phương pháp trồng tái canh và 6 năm đối với phương pháp ghép cải tạo.
 
 
Giải ngân trọn gói một lần trong toàn bộ thời gian vay theo phương án tái canh đã được phê duyệt, được vay tín chấp thông qua các tổ chức như hợp tác xã, Hội Nông dân, xem xét hạ mức lãi suất vay xuống thấp hơn, thủ tục vay vốn cần đơn giản hơn.

 
 
 

Minh Nhật
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo