Nghệ An: Cần giải pháp đủ mạnh để nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản
Nghệ An hiện có trữ lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản lên đến 160.000 -170.000 tấn/năm, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, xuất khẩu thủy sản còn nhiều hạn chế. Phát triển khai thác, nuôi trồng và đẩy mạnh chế biến thủy - hải sản đang là những giải pháp nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Tiềm năng lớn
Thị xã Hoàng Mai có 896 tàu cá, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt bình quân trên 30.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển mạnh mẽ với các vùng nuôi tôm an toàn sinh học, tổng diện tích nuôi tôm mặn lợ cả năm đạt 727ha, tổng sản lượng tôm nuôi năm 2015 đạt 2.400 tấn. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Kinh tế TX.Hoàng Mai chia sẻ: Thị xã có 2 làng nghề chế biến thủy sản nổi tiếng là Phú Lợi và Phương Cần; 5 công ty TNHH, 15 cơ sở chế biến hàng phơi khô hấp sấy, 64 kho lạnh…, tổng sản lượng chế biến năm 2015 đạt trên 11.750 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, một số sơ chế và xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Vấn đề chế biến, xuất khẩu sang thị trường các nước tiên tiến nhằm nâng cao giá trị đánh bắt cũng như nuôi trồng hầu như chưa có.
Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, số tàu thuyền khai thác ở các ngư trường xa bờ của Nghệ An hàng năm tăng khá nhanh, từ 848 chiếc năm 2010 lên 1.325 chiếc năm 2015. Có thể nói, đây là kết quả của nỗ lực giảm áp lực khai thác vùng ven bờ và vùng lộng nhằm đảm bảo sự tái tạo của nguồn lợi cũng như đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn cho xuất khẩu. Năm 2015, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt trên 116.698 tấn, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy, hải sản cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 45.500 tấn. Trong đó, sản lượng tôm đạt 6.000 tấn; ngao, hàu 3.208 tấn. Năng suất nuôi, nhất là tôm nuôi đạt khá cao, năm 2015 đạt bình quân gần 3,7 tấn/ha, nhiều mô hình đạt năng suất 15-20 tấn/ha.
Với nguồn lợi về các sản phẩm nuôi trồng cũng như khai thác khá phong phú, Nghệ An có lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, với lợi thế vị trí địa lý, Nghệ An là điểm có thể phát triển mối giao lưu kinh tế với các nước láng giềng như Lào, Đông Bắc Thái Lan, Hải Nam - Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất và hệ thống cảng cá, bến cá hiện có là những lợi thế để xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Chế biến xuất khẩu yếu
Trong 296 tàu khai thác hải sản của TX.Cửa Lò chỉ có 62 chiếc khai thác vùng khơi xa bờ. Hàng năm, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản đạt khoảng 10.800 tấn, trên địa bàn có 115 kho đông lạnh với tổng công suất trên 11.500 tấn. Ngoài ra, Cửa Lò còn có 7 làng nghề với các sản phẩm chính như nước mắm, mực khô, tôm nõn, cá thu nướng… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Kinh tế TX.Cửa Lò thì sản phẩm hầu như mới chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, giá trị không cao.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện khá nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản quy mô. Tỉnh đã quy hoạch và đầu tư 14 cụm chế biến hải sản tập trung với diện tích 78,83ha, đã sử dụng 28,83ha. Năm 2015, sản phẩm chế biến đông lạnh đạt trên 20.500 tấn, bột cá 15.000 tấn, nước mắm 25 triệu lít, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu như nhà máy chế biến bột cá tại xã Diễn Hùng của Công ty TNHH chế biến phụ phẩm Xuri Việt Trung, công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày, doanh thu 220 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc; Nhà máy chế biến cá hộp Nghệ An của Tập đoàn Royal Foods với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày đã đi vào sản xuất từ tháng 9/2015.
Tuy nhiên, đến nay, Nghệ An mới chỉ có 2 đơn vị được cấp code để xuất khẩu, trong đó Công ty cổ phần XNK Nghệ An gần đây hầu như đã ngừng sản xuất, trang thiết bị xuống cấp, việc chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm định kỳ để xuất khẩu chưa đảm bảo. Và như vậy, chỉ có Công ty cổ phần XNK Nghệ An II đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga,…và các nước Đông Nam Á. Hiện tại, đơn vị này đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ lắp đặt thiết bị chế biến thuỷ sản công nghệ cao IQF, cho phép sản xuất các sản phẩm cao cấp với công suất 8 -10 tấn sản phẩm/ngày, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ,… Giá trị xuất khẩu có thể đạt 10-12 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về nguồn vốn, hàng năm giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu chỉ đạt trên 5 triệu USD, sản phẩm chế biến đều bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu phía Nam chứ chưa xuất trực tiếp. Đây cũng là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang hoạt động.
Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước Đông Nam Á được coi là thị trường tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này đòi hỏi không những về chất lượng mà phải có năng lực tài chính lớn mới bảo đảm ký kết hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp Nghệ An không thể đáp ứng được. Vì vậy, việc xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá trị xuất khẩu. Có thể thấy, chế biến xuất khẩu vẫn còn yếu, nhất là xuất khẩu trực tiếp. Nguyên nhân do trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp và vốn kinh doanh quá hạn chế.
Hướng đến tăng giá trị xuất khẩu
Để tăng giá trị xuất khẩu, Nghệ An chủ trương tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến quy mô lớn, tập trung, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất từ nuôi trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư chế biến cá hộp xuất khẩu sớm đi vào hoạt động, sẽ tạo điều kiện cho Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản II đầu tư nâng cấp nhà máy, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU. Tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến, áp dụng quy trình quản lý hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục kêu gọi để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản chất lượng cao tại Nam Cấm, Hoàng Mai, có công suất 10.000 tấn/năm. Đồng thời quan tâm phát triển các sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Có các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa ngư dân với các doanh nghiệp chế biến trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò đầu mối định hướng về loại sản phẩm, thông tin giá cả và các yêu cầu của thị trường cho ngư dân.Thành lập các hội trong sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường thông qua việc tham gia các hội chợ trong nước và nước ngoài, làm tốt công tác du lịch với giới thiệu và quảng bá sản phẩm.Triển khai xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ những thương hiệu sản phẩm độc quyền của các làng nghề.
Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này ngoài ưu đãi theo luật khuyến khích đầu tư trong nước, còn có các ưu đãi riêng như tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, thời gian hoạt động, huy động vốn. Các chính sách hỗ trợ thương mại được quan tâm như trợ giá, trợ vốn, đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu thương mại, mở rộng quan hệ thị trường, đặc biệt với thị trường xuất khẩu; hỗ trợ vốn, cơ chế cho các nhà xuất khẩu có triển vọng trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng như xây dựng thương hiệu và nhãn mác cho các sản phẩm thủy sản; tham gia các hội chợ thương mại thuỷ sản trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng thuỷ sản. Mục tiêu đến năm 2020 giá trị chế biến xuất khẩu đạt 45 triệu USD; năm 2030 tăng lên 70 triệu USD.