Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn gặp khó
17:52 - 27/12/2016
(TNNN)- Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, kiến thức cơ bản... khiến nhiều nông dân lúng túng trong chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. 
Liên kết giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế

Nông thôn Việt Nam trải rộng trên địa bàn lớn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau. Các vùng sản xuất có sự khác biệt lớn về địa hình, khí hậu; nguồn gốc phát sinh, đặc điểm lý, hóa, sinh cũng như khả năng sử dụng đất.
 
 
Sự chênh lệch điều kiện kinh tế giữa các vùng (đồng bằng, trung du, miền núi...) ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp nhận công nghệ. Mặt khác, thị trường công nghệ trong nông nghiệp chưa phát triển. Các công nghệ trong lĩnh vực này, bao gồm các tiến bộ kỹ thuật, các quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... đều có tính đặc thù cao. Vì thế, có những công nghệ phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác và khó giữ được bản quyền khi chuyển giao vào sản xuất.
 
 
Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún, cả nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Đây là một khó khăn cho việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do trên một vùng đất có nhiều loại cây trồng, vật nuôi.
 
 
Nền nông nghiệp tiểu nông của Việt Nam cho năng suất thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản phẩm chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm, ít được chế biến sâu; giá trị và hiệu quả kinh tế thấp nên khó đầu tư đổi mới công nghệ.
 
 
Việt Nam có chủng loại cây trồng rất phong phú, bao gồm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Rừng Việt Nam đa dạng chủng loại cây lấy gỗ và cây ngoài gỗ, cây bản địa và cây nhập nội. Điều này đòi hỏi cán bộ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có kiến thức rộng, sâu về nhiều loại cây. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc ứng dụng Khoa học - Công nghệ nông nghiệp, đặc biệt đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
 
 
Khó khăn về nguồn vốn đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng. Bởi lẽ, để phát triển ứng dụng tiến bộ KHKT vào nông nghiệp, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Song thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Hiện, cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%.
 
 
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ. Nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, khi hiệp định tự do về thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thì cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước sẽ ngày càng gia tăng. Theo kết quả điều tra sơ bộ, hiện nay, các doanh nghiệp bao tiêu mới chỉ tiêu thụ được khoảng 55% số lượng nông sản làm ra trong hợp đồng liên kết, còn lại khoảng 45% doanh nghiệp phải bán ở thị trường tự do đầy rủi ro và bất ổn.
 
 
Ngoài ra, sự liên hết hoạt động khoa học - công nghệ giữa các tỉnh, thành trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án. Mức độ liên kết giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân… Do đó, nhiều đề tài, dự án chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống.
 
 
Do đó, cần nâng cao nhận thức của người lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu to lớn và mang tầm chiến lược trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức, huy động lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ về nông thôn, cùng với bà con nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức khuyến nông, các tổ chức chính trị, xã hội giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp và dịch vụ, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 
 
Đồng thời, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ với sản xuất, kinh doanh bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế... cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất cần thực thi mạnh mẽ để nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp.
 
 

Bình Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo