Hiện danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tới 4.100 tên thương phẩm, với khoảng 1.700 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất.
Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra trong 5 năm gần đây trên thị trường chỉ có gần 2.000 tên thương phẩm đang sử dụng, còn lại hầu hết chỉ là tên "ảo".
Hạn mặn khiến các vườn cây ăn trái bị giảm năng suất và chất lượng
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác BVTV năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của các tỉnh phía Nam, do Cục BVTV vừa tổ chức tại Tiền Giang.
Chuyển biến tích cực
Theo Trung tâm BVTV phía Nam, từ vụ ĐX đến đầu vụ HT năm 2016, do ảnh hưởng bất lợi về tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), làm ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2015, mực nước trên sông MeKong ở mức thấp nhất gần 100 năm nay, khô hạn, xâm nhập mặn làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và xâm nhập sâu vào đất liền đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã gây thiệt hại 159.000ha lúa và 500.000ha đất bị ảnh hưởng. Ngành BVTV phải đối mặt với nhiều loại dịch hại khá phổ biến, phát triển mạnh theo thời tiết trên nhiều loại cây trồng.
Theo báo cáo, công tác BVTV trên cây lúa của tỉnh Tiền Giang trong năm 2016 đã làm khá tốt. Tuy nhiên, với cây ăn quả hiện vẫn đang tồn tại một số loại bệnh phổ biến như bệnh chổi rồng trên cây nhãn. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo xử lý rất quyết liệt nhưng vì trồng rải rác, nhất là trồng xen và trồng cây bóng mát nên là nguồn gây bệnh và phát tán.
Bệnh đốm nâu trên cây thanh long cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong mùa mưa bùng phát rất nhanh. Do vậy, giải pháp tăng cường vệ sinh vườn và hạn chế sử dụng thuốc BVTV bừa bãi đã được địa phương khuyến cáo.
Theo ông Cao Văn Hóa, GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang, tỉnh đã chuẩn bị xong “kịch bản” quản lý dịch hại và đối phó với biến đổi khí hậu. Quan trọng sẽ phải triển khai tập huấn và dự báo về diễn biến hạn, mặn trong năm tới kịp thời chính xác để người dân sẵn sàng ứng phó.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre cũng cho biết, liên tục trong nhiều năm qua công tác nhân nuôi ong ký sinh đã được địa phương triển khai tích cực, đã phóng thích ra đồng ruộng được trên 5 triệu con. Hiệu quả cho thấy, tỉ lệ vườn dừa phục hồi tới 90%, diện tích dừa bị nhiễm bọ cánh cứng đã giảm đáng kể, năng suất tăng 30% so với trước. Mặc dù bọ cánh cứng hại dừa không tiêu diệt hết, nhưng thả ong ký sinh đã khống chế rất hiệu quả sự phát triển của loại dịch hại này mà không cần áp dụng biện pháp nào khác.
Bất cập quản lý thuốc BVTV
Theo báo cáo từ các địa phương trong vùng, thời gian gần đây, hiện tượng vứt bỏ bao bì BVTV sau sử dụng, nhất là tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV vẫn còn phố biến.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau đề nghị cần đẩy mạnh IPM hơn nữa vì thực trạng sử dụng thuốc BVTV và phân bón của người dân đang bị chi phối rất lớn bởi các hệ thống đại lý VTNN. Nông dân Cà Mau có tiền chỉ lo tiêu xài, hoặc mua vàng cất giữ chứ không chịu bỏ tiền đầu tư cho sản xuất, mà chủ yếu đi mua chịu phân thuốc. Do vậy, nghe đại lý “khuyến cáo” loại phân, thuốc nào thì họ chấp nhận mua theo chứ không chủ động.
“Tôi thấy nông dân bây giờ đang mải chạy theo năng suất, họ đua nhau trồng để đạt năng suất cao. Bằng chứng là khi nông dân gặp nhau họ chỉ hỏi thăm xem thu hoạch được bao nhiêu giạ lúa chứ không bao giờ hỏi lời được bao nhiều tiền?”, ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau nói.
Ông Nguyễn Chí Thiện, PGĐ Sở NN-PTNT Long An thì cho rằng, quản lý thuốc BVTV là vấn đề hết sức nan giải. Đặc biệt là tên thuốc rất khó nhớ, vì thực tế có những thuốc mang tên Việt, tên tây đủ kiểu lại còn ghi tên dài làm nông dân hoa mắt. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc có tới 3 loại hoạt chất/chai. Nông dân không am hiểu chỉ cần pha 2 loại thuốc với nhau đã thành 6 hoạt chất, đó mới chỉ là thuốc trừ bệnh, rồi họ còn pha thêm 3 hoạt chất thuốc trừ sâu nữa là 9 và cộng thuốc dưỡng là lên tới 10 hoạt chất. Do vậy, một bình phun đã có tới cả chục loại hoạt chất phun cho cây trồng thì thật nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng đồng quan điểm, số lượng tên thương phẩm trong danh mục quá nhiều đã gây khó khăn cho nông dân và cán bộ địa phương trong lựa chọn, khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV. Cần phải siết chặt quản lý, hạn chế số lượng tên thương phẩm trong danh mục...
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV:
"Việc chỉ đạo gieo đồng loạt né rầy là tiến bộ kỹ thuật đã được kiểm chứng trong thực tế rất nhiều năm qua và đã thành công trong việc khống chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo gieo sạ đồng loạt để né rầy.
Việc quản lý thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề sử dụng thuốc không đúng cách làm mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho toàn xã hội, đặc biệt tạo những hình ảnh rất xấu cho nông sản xuất khẩu.
Cục đang nghiên cứu để thống nhất và xây dựng lại quy tắc hỗn hợp thuốc BVTV để có quy chuẩn kỹ thuật. Bộ NN-PTNT cũng sẽ có các giải pháp tổng thể trong năm 2017 và những năm tiếp theo để thực thi tốt các quy định pháp luật”.
|
Ông Cao Văn Hóa, GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang:
"Thời gian qua địa phương đã áp dụng xuống giống đồng loạt né rầy trên 90% diện tích và áp dụng công nghệ sinh thái trên 4.000ha.
Đặc biệt, trong vụ ĐX này ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo những vùng khó khăn xuống giống xong trước ngày 15/12. Còn vùng thuận lợi có thể kéo dài đến 20/12. Các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng phương án bơm truyền 2 cấp để khi có hạn mặn là xử lý tốt”.
|