Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có chủ trương sẽ đẩy mạnh các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh, tiến dần tới việc “hữu cơ hóa” nền nông nghiệp. Đây là định hướng rất đúng đắn.
|
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trước đây, chúng ta khuyến cáo trồng trọt phải sử dụng từ 5-10 tấn phân chuồng/ha, kết hợp bón đạm, lân, ka-li cân đối. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà nguồn phân hữu cơ ngày nay ngày càng giảm đi, đa số chỉ có phân hóa học.
Trong đất, các vi sinh vật như giun, dế là chỉ thị của đất tốt, giàu hữu cơ. Đất tốt là nguồn thức ăn cho vi sinh vật, sau đó thải ra đất ở dạng dễ tiêu hơn, có lợi cho cây trồng.
Tuy nhiên, việc chỉ bón phân hóa học lâu năm sẽ làm cho cac-bon trong đất ngày càng nghèo, tồn dư phụ gia ngày càng tăng, ví dụ phụ gia super lân, kali sunphat có thể làm đất dần bị chua hóa, khiến điều kiện sống cho hệ vi sinh vật trong đất không còn.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có chủ trương sẽ đẩy mạnh các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh, tiến dần tới việc “hữu cơ hóa” nền nông nghiệp. Đây là định hướng rất đúng đắn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không bón phân vô cơ nữa.
Cần phải hiểu trong SX nông nghiệp thì việc bón phân là điều bình thường. Cây trồng cần tất cả các yếu tố đều cần thiết để sinh trưởng phát triển, kể cả các chất hóa học như NPK, canxi, magie, lưu huỳnh, kẽm, đặc biệt vai trò NPK là quan trọng nhất…
Mỗi chất đều có vai trò của nó đối với cây trồng, chứ không phải cứ phân vô cơ là không tốt. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đòi hỏi phải có năng suất cao thì phải bón bổ sung thêm phân bón vô cơ thì là điều đương nhiên.
Chẳng hạn trước đây, chúng ta SX lúa chỉ có năng suất 2-3 tấn/ha, còn bây giờ lên tới hàng chục tấn/ha, nếu không bón phân vô cơ thì không thể đủ dinh dưỡng để có năng suất như thế. Phân hữu cơ chỉ đáp ứng được một phần nhất định dinh dưỡng cho cây trồng, nên không thể trồng chỉ bón mỗi hữu cơ mà có năng suất cao được.
Vấn đề là không được lạm dụng phân hữu cơ, và vì thế chúng ta bón phân phải tuân theo khái niệm cân bằng dinh dưỡng.