Bất cập trong chính sách tín dụng đối với việc tái canh cây cà phê
16:08 - 31/07/2017
(TNNN) - Tái canh cây cà phê là giải pháp quan trọng giúp phát triển bền vững ngành cà phê, nguồn lực kinh tế lớn nhất cho khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, do chính sách tín dụng vẫn còn nhiều bất cập nên nhiều hộ trồng cà phê khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư trồng tái canh cà phê. Thậm chí, một số hộ không còn thiết tha với nguồn vốn này.
Việc khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc tái canh cà phê ở nước ta

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, chính sách tín dụng cho vay tái canh cà phê vẫn còn nhiều bất cập nên các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê không những khó tiếp cận nguồn vốn vay mà còn không thiết tha với nguồn vốn vay này để đầu tư trồng tái canh cà phê. 


Từ trước đến nay, Chính Phủ cũng đã có chính sách tín dụng ưu đãi và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho tái canh cà phê, nhưng đến nay người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng này. Theo nông dân và doanh nghiệp cà phê ở Tây Nguyên, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho tái canh cà phê những năm qua rất khó khăn. Thủ tục không thông thoáng, lãi suất còn cao, thời hạn quá ngắn so với thực tế thu hồi vốn là những trở ngại lớn nhất khiến tiến độ tái canh ở các tỉnh không đạt yêu cầu.


Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: Công ty hiện đang có nhu cầu tái canh 100 ha cà phê già cỗi mà chưa vay được vốn.


Hiện nay, công ty phải đi vay ngân hàng, nhưng việc giải ngân của các ngân hàng là chậm và không đảm bảo được diện tích rồi nhu cầu vốn của công ty. Một vấn đề hết sức quan trọng là lãi suất vay cao và thời hạn thu hồi vốn của các ngân hàng có 6 năm trong khi chu kỳ cây cà phê là 25-30 năm. Đây là hai cái khó nhất - ông Nguyễn Đại Ngọc chia sẻ.


Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng Nhà nước đã dành nguồn vốn vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng cho chương trình tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 6 năm triển khai, việc giải ngân mới chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng, chưa đầy 6%. Ông cũng thừa nhận: “Về vấn đề tái canh cây cà phê thì ngành ngân hàng thấy chủ trương, chính sách rất đúng và đã triển khai 6 năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao và còn rất nhiều vấn đề đặt ra cả về cơ chế,  chính sách, kể cả vĩ mô của các Bộ, ngành cũng như của từng địa phương”.


Theo Đề án được tái canh cây cà phê các tỉnh Tây Nguyên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định 4521/QĐ-BNN-TT,  giai đoạn 2014 – 2020 sẽ thực hiện trồng khoảng 120.000ha, trong đó, trồng tái canh 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha. Năm 2015, toàn vùng thực hiện việc tái canh 17.432ha cây cà phê, nâng tổng diện tích tái canh cà phê lên 61.780ha; năm 2016, toàn vùng tái canh khoảng 80ha cây cà phê.


Chương trình cho vay tín dụng thực hiện tái canh cà phê chưa thực sự hấp dẫn nông dân do hạn mức vay thấp, giải ngân theo tiến độ triển khai (mức Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay tối đa 150 triệu đồng/ha, giải ngân 2 – 3 lần), lãi suất cho vay còn cao (trong thời gian ân hạn là 6,5 – 7%/năm, sau thời gian ân hạn là 9%/năm).


Quy trình tái canh theo quy định của Bộ Nông nghiệp &PTNT còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế, như vướng mắc về thời gian luân canh, về phân tích mầm bệnh, tuyến trùng trong đất và quy định về giống cây cà phê. Việc xác định diện tích tái canh cà phê, diện tích xen ghép cải tạo; xác định diện tích tái canh ở các mức độ khác nhau (diện tích không phải luân canh, luân canh 1 năm, 2 năm) để lập cơ sở dữ liệu cho tái canh còn lúng túng ở các địa phương.


Những khó khăn đã dẫn đến tiến độ tái canh cây cà phê không đạt. Điển hình như, Tổng công ty Cà Phê Việt Nam, mục tiêu đề ra, giai đoạn 2010 - 2020 thực hiện tái canh 11.000 ha, nhưng đến nay mới đạt 45% kế hoạch, trong đó mới có 1.000ha được vay vốn tín dụng với tổng số tiền 135 tỷ đồng, chủ yếu với lãi suất từ 9 – 9,5%, doanh nghiệp rất khó tiếp cận mức lãi suất 7%.


Ông Phan Khắc Văn, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) cho biết: Để tái canh cây cà phê thì người dân phải chặt bỏ cây cà phê già cỗi và không được trồng lại ngay mà phải trồng các cây trồng khác ngắn hạn trong thời gian từ 1-2 năm. Giai đoạn từ khi trồng cho đến khi cây cà phê cho thu hoạch mất khoảng 2-3 năm, trong thời gian từ 3-5 năm người dân không có thu nhập. Việc tái canh cây cà phê còn thể hiện bất cập, cơ quan chức năng cần chung tay tháo gỡ, giúp nông dân ổn định cuộc sống.


Người trồng cà phê đang đứng trước khó khăn, phần lớn diện tích trồng cà phê đã trồng từ những năm 1980 - 1986, cây cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, cần phải tái canh. Việc tái canh đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, ngoài vốn tự có, người nông dân tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Mặt khác, trong thời gian luân canh, trước khi trồng và thời kỳ kiến thiết cơ bản, người trồng cà phê có thu nhập không cao.


Thêm vào đó, tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn; giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá thế chấp thì tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm, dẫn đến hệ luỵ là người nông dân không thể huy động được nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tái canh. 


Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng tài chính hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn, khó triển khai thực hiện tái canh. Đặc biệt, việc cung cấp chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng vốn theo yêu cầu của ngân hàng cũng rất khó thực hiện đối với nông hộ. Riêng đối với các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thì việc vay vốn không được giải ngân trọn gói một lần tổng số tiền được vay mà thời gian cho vay tái canh phải từ 3 - 5 năm qua các lần thẩm định nghiệm thu khác nhau.


Để chủ trương tái canh diện tích cây cà phê hoàn thành đúng tiến độ của đề án, cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện. Mặt khác, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt để thực hiện quy hoạch diện tích trồng cây cà phê, đưa ra được lộ trình tái canh từ nay đến năm 2020 của từng tỉnh. Điều này không những giúp cho ngân hàng bố trí nguồn vốn mà còn giúp cho người dân “vừa có diện tích tái canh, vừa có diện tích thu hoạch“ cà phê gối nhau để bảo đảm cuộc sống.
 
Như Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo