Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho HTX nông nghiệp
17:01 - 19/06/2017
Với hơn 5.500 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, khu vực ĐBSH và Bắc Trung Bộ chiếm trên 50% tổng số cả nước. 

Tuy nhiên, đây cũng là vùng mang những “di chứng” nặng nề về HTX kiểu cũ, khiến hiệu quả hoạt động của các HTX sau khi chuyển đổi sang mô hình mới theo Luật HTX năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn.

15-33-00_nh_11
Đa số những HTX có sự liên kết với doanh nghiệp đều phát triển tốt

Theo Bộ NN-PTNT, sau 4 năm thực hiện Luật HTX 2012, đến nay, các tỉnh vùng ĐBSH và Bắc Trung Bộ đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo luật. Do số lượng HTX giải thể và thành lập mới tương đương nhau nên số lượng HTX toàn vùng tính đến hết năm 2016 vẫn giữ ở con số ổn định với 5.515 HTX nông nghiệp, chiếm 51,4% tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả và hình thức hoạt động của các HTX nông nghiệp ở vùng này vẫn biến chuyển rất chậm.

Hiện có tới gần 77% số HTX nông nghiệp ở khu vực này làm dịch vụ tổng hợp, chủ yếu là dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chỉ có khoảng 23% số HTX là HTX dịch vụ chuyên biệt như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp hoặc thủy sản, nhưng số lượng HTX chuyên biệt về dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chỉ có khoảng chưa đầy 10%.

Ở nhiều nơi, việc chuyển đổi mô hình hoạt động và đăng ký lại HTX theo Luật HTX 2012 vẫn còn tình trạng nhầm lẫn theo dạng “HTX toàn dân” như trước đây nên số lượng thành viên HTX khu vực ĐBSH và Bắc Trung Bộ lên tới 2,5 triệu người, trung bình có tới 483 thành viên/HTX, cá biệt có những HTX lên tới 3.000 thành viên.

Trong quá trình đăng ký lại và chuyển đổi HTX cũ sang HTX mới theo luật, hiện vẫn còn một số HTX bị “mắc kẹt” do những tồn đọng về công nợ do lịch sử để lại. Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, rất nhiều HTX ở tỉnh này hiện thậm chí không còn hoạt động nữa, nhưng cũng không thể giải thể hoặc chuyển sang mô hình hoạt động mới, chủ yếu là do vấn đề nợ đọng từ nhiều chục năm trước để lại, trong khi đó các quy định trong Luật HTX 2012 lại chưa có những hướng dẫn cụ thể.

15-33-00_nh_21
Trình độ nhân lực và vốn cho HTX đang là những khâu yếu nhất
Theo Bộ NN-PTNT, tới cuối năm 2016, chỉ có 29,5% số HTX nông nghiệp ở vùng ĐBSH và Bắc Trung Bộ được phân loại khá, tốt (thậm chí thấp hơn cả vùng Trung du MNPB với 38%). Một trong những yếu tố quyết định để các HTX mở rộng SX kinh doanh và tăng nguồn đầu tư, nhất là tiêu thụ sản phẩm, đó là liên kết với DN. Theo thống kê, có 10,3% số HTX có hoạt động liên kết với DN thì hoạt động ổn định, quy mô ngày càng mở rộng, hiệu quả ngày càng tăng.

Đối với những HTX đã chuyển đổi, đa số hiện nay là trống rỗng về vốn với mức vốn bình quân rất thấp, chỉ hơn 1 tỉ đồng/HTX. Trên thực tế, một số HTX thành lập mới ghi là vốn điều lệ, nhưng thực chất chủ yếu chỉ có tài sản cố định từ thế hệ cũ chuyển sang đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đến hết năm 2016 dành cho HTX cũng rất thấp, chỉ có 280 tỉ đồng.

Trong số 16 tỉnh vùng ĐBSH và Bắc Trung Bộ, hiện mới chỉ có 9 tỉnh đã thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tuy nhiên mức quỹ rất bé, bình quân chỉ dưới 10 tỉ đồng/tỉnh. Các HTX cũng gần như bó tay trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

“Mặc dù Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có văn bản hướng dẫn cho phép các HTX được phép vay vốn của các ngân hàng thương mại bằng cơ chế tín chấp, tuy nhiên trên thực tế thì không có một HTX nào vay được vốn của ngân hàng cả. Các HTX muốn vay vốn thì chỉ có nước cầm cố sổ đỏ của cán bộ HTX mà thôi” – ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế.

Cũng theo ông Quyền, vấn đề nhân lực cho HTX hiện nay đang vô cùng hạn chế. Thậm chí nhiều nơi chính quyền còn có tình trạng can thiệp vào tình hình nhân sự của các HTX. Có tình trạng cán bộ của UBND xã không “cơ cấu” được vị trí này, vị trí nọ được thì mới đẩy sang cho HTX.

“Nhiều địa phương hiện nay gần như không có cán bộ chuyên trách về HTX, trong khi đó nhân lực làm việc ở các HTX rất yếu, bởi lao động có trình độ đa số học xong đều ở lại thành phố. Vì vậy Chính phủ cần phải bổ sung những cơ chế ưu đãi để thu hút nhân lực trẻ, có đào tạo bài bản về công tác cho HTX” – ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đồng quan điểm.

Theo Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2016, trình độ cán bộ HTX về quản lí và chuyên môn còn rất hạn chế, chủ yếu là đào tạo ngắn hạn và trung cấp, tỉ lệ có trình độ đại học và cao đẳng chỉ chiếm chưa đầy 21%.

Cho HTX được vay gói 100 nghìn tỉ đồng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: Hiện một số mô hình HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 đã thành công, phát huy hiệu quả, nhưng tỉ lệ này còn quá thấp và còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là chính sách ban hành về lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó có HTX nhưng đi vào cuộc sống chưa được bao nhiêu…

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, các tỉnh phải cụ thể hóa việc triển khai Luật HTX 2012 bằng các nghị quyết bằng các nghị quyết chuyên đề và xây dựng các chương trình hành động cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện nghiêm các chính sách hiện có về HTX, đồng thời đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX, trong đó chú ý các chính sách liên quan tới đất đai, tài chính và nâng cao năng lực quản trị HTX, hỗ trợ cán bộ có trình độ về làm việc tại các HTX, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp thông qua HTX... 


LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo