Trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp tái vi phạm xả thải trái phép, “đầu độc” hệ thống thủy lợi, nhiều ý kiến cho rằng, nếu lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe.
Phải cắt điện để doanh nghiệp đó “tê liệt” trong một thời gian.
Có hiện tượng “nhờn” luật?
Thời gian gần đây, tỉnh Hải Dương là địa phương có khá nhiều doanh nghiệp vi phạm xả thải vào hệ thống thủy lợi. Ngày 4/1/2017, đoàn kiểm tra của Sở TN-MT phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Hải Dương và và chính quyền huyện Bình Giang kiểm tra, phát hiện 13 cơ sở trong cụm công nghiệp Tân Hồng vi phạm xả thải nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải.
|
Ô nhiễm tại Cầu Lường tại địa phận 3 xã Ngọc Lâm, Xuân Dục và Bạch Sam của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên |
Trong đó, hoạt động tái chế nhựa phế liệu của 3 doanh nghiệp và 1 cá nhân là nguyên nhân chính gây ô nhiễm kênh thủy nông giáp tỉnh lộ 392 (gồm Cty TNHH MTV Thương mại Quốc Pháp, Cty TNHH Lục Nam; Cty CP Tiến Long; ông Nguyễn Văn Tuấn - người thuê lại mặt bằng, nhà xưởng của Cty CP XNK nhựa Lâm Phúc).
Sở TN-MT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty TNHH MTV Thương mại Quốc Pháp, Cty TNHH Lục Nam về hành vi xả nước thải không có giấy phép (mỗi Cty 65 triệu đồng), yêu cầu hai Cty này dừng ngay hoạt động xả nước thải ra môi trường. Đồng thời, yêu cầu Cty CP Tiến Long và ông Nguyễn Văn Tuấn dừng ngay hoạt động tái chế nhựa. Riêng cơ sở của ông Tuấn bị PC49 xử phạt 88 triệu đồng.
Các ngày 22/3, 11/4, 19/4/2017, UBND huyện Bình Giang tiếp tục kiểm tra, phát hiện 4 doanh nghiệp, cá nhân này vẫn hoạt động, xả nước thải chưa qua xử lý đạt yêu cầu vào môi trường. Ngày 24/4/2017, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với PC49 tiếp tục xuống kiểm tra. Riêng Cty TNHH Lục Nam vẫn còn hoạt động phân loại, ép bánh phế liệu nhựa). Ông Nguyễn Văn Tuấn đã ký hợp đồng với Cty TNHH Môi trường Vinaxanh (Hà Nội) để thi công hệ thống xử lý nước thải.
Nói về vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Toàn tỉnh có 27 trạm bơm lấy nước từ các sông nội đồng nhưng bây giờ không sử dụng được vì nguồn nước quá ô nhiễm. Với các dự án đầu tư lớn của tỉnh, chúng tôi yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép và nhuộm.
“Bêu tên” doanh nghiệp vi phạm
Theo Công an tỉnh Hải Dương, từ năm 2015 đến nay, lực lượng cảnh sát môi trường của tỉnh đã phát hiện, kiểm tra và xử lý gần 200 vụ việc vi phạm về môi trường liên quan đến công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào nguồn nước, khai thác cát trái phép…, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 2 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.
|
Hình ảnh nước đen ngòm bốc mùi hôi thối nồng nặc tại mương thoát nước TP Hải Dương |
Điển hình nhất là vụ việc xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép của Cty TNHH Rich Way, có trụ sở tại xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương năm 2015 bị PC49 phát hiện, xử phạt 247 triệu đồng. Vụ việc của Cty TNHH Công nghiệp Oriental Sports Việt Nam, tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Hải Dương năm 2016 bị PC49 phát hiện, xử phạt 270 triệu đồng. Vụ việc xả nước thải trái quy định của Cty Dệt Pacific, khu công nghiệp Lai Vu đang trở thành điểm phức tạp về an ninh trật tự…
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho biết: Hưng Yên là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về ô nhiễm môi trường nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có yếu tố lịch sử để lại. Bởi những giai đoạn trước, tỉnh chủ trương “trải thảm đỏ” thu hút doanh nghiệp đầu tư, bởi vậy quá trình cấp phép không để ý nhiều đến các hạng mục xử lý môi trường. Hai là, rất nhiều cơ sở nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động ngoài khu công nghiệp tập trung.
Đến nay, khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm xả thải ra môi trường, nhiều trường hợp cấp huyện không xử lý mà đổ lỗi cho tỉnh cấp phép xây dựng hoặc đá trách nhiệm cho cảnh sát môi trường hoặc thanh tra môi trường. Như thế là không được. Trước mắt, các cấp xã, huyện phải lập biên bản vi phạm, còn vi phạm thuộc cấp nào thì cấp ấy phải xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan. Không thể để vi phạm kéo dài được. Thậm chí, nếu doanh nghiệp nào xả thải gây ô nhiễm môi trường đã bị xử lý, mà vẫn tiếp tục tái phạm hành vi thì có quyền kiến nghị với ngành điện cắt điện, phải thực sự kiên quyết xử lý thì mới đẩy lùi được tình trạng này.
“Để triệt vi phạm xả thải vào hệ thống thủy lợi, tới đây, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành TN-MT các tỉnh, lực lượng công an, các công ty khai thác công trình thủy lợi và chính quyền địa phương để thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện, ngăn chặn và xử lý mạnh tay để không tái diễn vi phạm. Bên cạnh đó, sẽ “bêu tên” các cơ sở vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. |