Miễn thuế đất nông nghiệp góp phần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
10:49 - 10/03/2017
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 20/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ảnh minh họa (Ảnh: P.C)

Theo Nghị định mới này có 3 đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Một là, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp).

Hai là, hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và hộ gia đình, cá nhân nhận đất giao khoán ổn định của công ty nông, lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ba là, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Trước đây, việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả và thực hiện công bằng, hợp lý sự đóng góp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vào ngân sách Nhà nước. Theo theo quy định về thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hộ được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng vẫn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, thuế sử dụng đất nông nghiệp được tính dựa trên diện tích, hạng đất và định suất thuế tính bằng kilogam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.

Tới năm 2003, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2010 và ngày 24/11/2010 là Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2020.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV,  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng  đã khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phù hợp với bối cảnh hội nhập và thông lệ quốc tế.

Theo thống kê năm 2014, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là 26.825 nghìn ha, tăng 275 nghìn ha (1,04%) so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015 (26.550 nghìn ha). Trong đó diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.233.632 ha.

TS. Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cũng cho rằng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân có thêm vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cùng với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp hợp lý khác đã tạo ra hệ thống chính sách ưu đãi đồng bộ để thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn.

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp  tác động  không lớn tới giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng lại là giải pháp tích cực để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là vẫn có hiện tượng các hộ gia đình, cá nhân được giao đất để sản xuất nông nghiệp nhưng không sử dụng, dẫn đến tình trạng đất hoang hóa, lãng phí. Vì vậy việc miễn thuế đất nông nghiệp chỉ hiệu quả khi đến đúng đối tượng.

Theo TS. Trần Văn, năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với các cá nhân, hộ gia đình được giao đất mà không sử dụng, đem cho thuê lại hoặc để hoang hóa đều là các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, cần phải kiên quyết thu hồi đất để giao lại cho chính các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu thật sự, đang phải đi thuê đất để làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về sử dụng đất nông nghiệp như sử dụng không đúng mục đích được giao đất, không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn quy định. Một số đại biểu Quốc hội còn đề nghị miễn thuế đất nông nghiệp dài hạn hơn, đến năm 2025 hay thậm chí 2030 hoặc kéo dài tới khi có sự thay đổi về thuế sử dụng đất nông nghiệp, để hấp dẫn các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn nữa./.

Minh Phương
Nguồn: Dangcongsan.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo