Nông dân và nhà máy đường cùng nghỉ Tết sớm: “Dưỡng sức” để tăng tốc
09:27 - 26/01/2017
Dù sản lượng mía còn lại ước tính khoảng 700.000 tấn, nhưng các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL vẫn quyết định nghỉ Tết sớm hơn so với một số ngành nghề khác. Quyết định này nhằm đảm bảo hiệu quả của niên vụ mía đường năm nay cho cả nhà máy lẫn người trồng mía.
Thu hoạch mía ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: T. LONG

Khởi động thành công

Đến 25 tháng Chạp (Âm lịch), 3 nhà máy đường sau cùng là: Nhà máy đường Sóc Trăng, Vị Thanh và Trà Vinh chính thức nghỉ Tết để chuẩn bị cho đợt ép tiếp theo vào ngày 20 tháng Giêng (Âm lịch). Tuy nghỉ sớm so với mọi năm, nhưng các nhà máy đường vẫn rất vui nhờ mía đạt chữ đường cao và nhất là giá đường từ đầu vụ đến nay luôn ổn định ở mức cao hơn so với cùng kỳ.

Trước khi nghỉ Tết, các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL cũng kịp tiêu thụ khoảng 95.000 tấn mía và cung ứng cho thị trường khoảng 70.000 tấn đường các loại. Đứng đầu khu vực là Nhà máy đường Vị Thanh với 267.000 tấn mía và 20.000 tấn đường. Tiếp theo là Nhà máy đường Phụng Hiệp với 242.000 tấn mía và gần 15.000 tấn đường. Đứng thứ ba là Nhà máy đường Sóc Trăng với 145.000 tấn mía và 13.000 tấn đường.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO): "Qua kiểm tra lượng đường từ đầu vụ đến nay, hầu hết đều đạt chữ đường từ 9CCS trở lên, nên lợi nhuận của người trồng mía rất cao và hoạt động của các nhà máy cũng rất thuận lợi".

Không chỉ có năng suất và chữ đường cao, từ đầu vụ đến nay, các nhà máy mua mía nguyên liệu với giá ổn định ở mức 1.150 đồng/kg tại cầu cảng nhà máy đối với mía đạt 10CCS và cứ mỗi chữ đường tăng thêm, người trồng mía sẽ được cộng thêm 100 đồng/kg mía. Do đó, theo người trồng mía, vụ mía năm nay, lợi nhuận mỗi héc-ta mía bình quân từ 50 – 70 triệu đồng.

Giá mía tăng cao có phần đóng góp rất lớn từ giá đường trên thị trường bán buôn. Như nhận xét của ông Bình: "Giá đường bán buôn từ đầu vụ đến nay từ 16.800 – 17.000 đồng/kg, tức cao hơn cùng kỳ khoảng 3.000 đồng/kg. Đây là mấu chốt quan trọng để các máy giữ vững mức giá thu mua ổn định ở mức cao từ đầu vụ đến nay".

"Dưỡng sức" để tăng tốc

Vì sao năm nay các nhà máy đường lại đồng loạt nghỉ Tết sớm và khai trương muộn so với mọi năm dù giá đường đang rất tốt, ông Nguyễn Văn Bình lý giải: "Do ảnh hưởng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở năm ngoái, nên một số vùng nguyên liệu lớn như: Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và Trà Vinh thu hoạch muộn hơn mọi năm. Vì vậy, bước vào tháng 1-2017, một số vùng thu hoạch sớm ở tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đã cơ bản thu hoạch xong, lượng mía về các nhà máy bắt đầu giảm mạnh. Còn việc khai trương hoạt động muộn là để những vùng nguyên liệu mía còn lại phát triển đúng thời gian, nhằm đạt năng suất và chữ đường cao nhất, giúp người trồng mía thu được lợi nhuận tối đa trên một đơn vị diện tích".

Chính số diện tích mía còn lại đang phát triển tốt, khả năng đạt năng suất và chữ đường cao, cùng với việc thiếu hụt lao động, nên ngay cả người trồng mía cũng không muốn thu hoạch trước Tết. Tại vùng nguyên liệu mía huyện Long Phú, nông dân chỉ mới thu hoạch khoảng 100ha trong tổng số 500ha ở niên vụ này. Bởi theo nông dân, với điều kiện thời tiết như hiện nay, chỉ cần neo qua Tết, chữ đường sẽ tăng thêm khoảng 1 – 2 CCS.

Cũng tại vùng mía nguyên liệu Long Phú, chủ trương mở rộng diện tích mía đường ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng "bật đèn xanh" và đang được Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng phối hợp cùng địa phương triển khai thực hiện thí điểm trên diện tích khoảng 100ha. Còn lại vùng nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng là Cù Lao Dung, theo đánh giá của nông dân và ngành chức năng, nếu thu hoạch vào tháng 3 - 4, sẽ có rất nhiều diện tích đạt năng suất 160 tấn/ha và chữ đường ít gì cũng từ 12CCS trở lên.

Theo ước tính của ngành mía đường khu vực ĐBSCL, sản lượng mía còn lại sau Tết toàn vùng sẽ vào khoảng 700.000 tấn trở lên, nhưng chữ đường chắc chắn sẽ cao hơn so với trước Tết từ 1 - 2CCS. Vì vậy, nhiều khả năng, những diện tích mía thu hoạch sau Tết ở huyện Cù Lao Dung và Long Phú sẽ đạt mức lợi nhuận từ 80 triệu đồng/ha trở lên. Cũng do ảnh hưởng hạn, mặn năm ngoái, nên niên vụ mía đường năm nay, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 6-2017.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu sau Tết, giá mía và giá đường có được giữ ổn định ở mức cao như hiện nay hay không? Ông Nguyễn Văn Bình phân tích: "Sau Tết, tất cả các nhà máy đường trong cả nước sẽ đồng loạt hoạt động, sản lượng đường sẽ tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ bắt đầu giảm, nên khả năng giá đường bán buôn giảm là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, giá mía cũng buộc phải giảm theo. Tuy nhiên, những dự báo cho thấy, mức giảm này là không đáng kể, nên người trồng mía có thể an tâm đầu tư chăm sóc mía đạt năng suất, chữ đường cao thì vẫn đạt mức lợi nhuận cao".

Niên vụ mía đường 2016 – 2017 đang đi đúng theo kỳ vọng của người trồng mía lẫn các nhà máy đường. Nếu không có những biến động lớn tình hình đường nhập lậu hay giá đường thế giới, niên vụ mía đường năm nay sẽ thành công đúng như mong đợi.


 

Nguồn: Báo Cần Thơ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo