Siết chặt quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
20:00 - 28/10/2016
(TNNN) – Theo thống kê của Cục Thú Y, cả nước có trên 280.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chí có 59 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0.51%) và chưa có một quy trình chuẩn bắt buộc thực hiện nên các chủ lò mổ vẫn mạnh ai nấy làm.
Ảnh minh họa

Là huyện liền kề Trung tâm Thủ đô nên hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp thực phẩm cho người dân nội thành của huyện Hoài Đức (Hà Nội) khá sôi động. Toàn huyện có 20 điểm giết mổ gia súc thủ công, trong đó, 13 điểm giết mổ lợn, 7 điểm giết mổ trâu, bò. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.


Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, 100% số điểm giết mổ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép vệ sinh thú y và chưa có giấy phép kinh doanh; 100% điểm giết mổ nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên rất khó khăn trong việc kiểm soát vệ sinh thú y và nguồn gốc, xuất xứ động vật. Trên địa bàn huyện còn 9 hộ chưa phân loại chất thải và nước thải giết mổ và xử lý nước thải, chất thải theo quy định gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân được chỉ ra do huyện thiếu địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm xa khu dân cư. Tập quán của các hộ kinh doanh giết mổ lợn chủ yếu là giết mổ tại hộ trực tiếp chăn nuôi nên nhiều cơ sở không đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải, không đăng ký kinh doanh. Về nhận thức của các hộ kinh doanh giết mổ trâu, bò, lợn còn hạn chế, chưa quan tâm đến an toàn thực phẩm...


Để từng bước đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trên địa bàn và vùng lân cận... huyện Hoài Đức chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy hoạch của thành phố, bảo đảm đến năm 2020, quản lý được trên 90% số lượng gia súc, gia cầm giết mổ. Về cơ cấu thực phẩm giết mổ, có 50% số lượng động vật giết mổ bằng dây chuyền công nghiệp, 50% được thực hiện theo phương pháp thủ công. Trên địa bàn huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm để cung cấp sản phẩm sạch bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát giết mổ; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tuyên truyền, vận động nhân dân hình thành thói quen mua các sản phẩm thịt được chăn nuôi, giết mổ theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh thú y...; hạn chế tối đa các sản phẩm động vật không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tiêu thụ trên thị trường thuộc địa bàn huyện quản lý...


Cùng với đó, chi cục Thú y Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.


Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải được chính quyền địa phương cho phép hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Gia súc, gia cầm giết mổ phải khỏe mạnh, có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển và giấy chứng nhận phun tiêu độc phương tiện vận chuyển theo qui định. Phải được cán bộ kiểm dịch viên thực hiện kiểm tra trước và trong quá trình giết mổ động vật, đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y trên bao gói sản phẩm theo qui định. Nghiêm cấm việc giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm sống chưa qua giết mổ trên địa bàn nội thành, nội thị hoặc việc bán chạy, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương khi xảy ra dịch bệnh hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.


Về cơ sở bảo quản sản phẩm động vật nhập khẩu: Kho bảo quản sản phẩm động vật phải là kho chuyên dùng để bảo quản thực phẩm, đủ ánh sáng, độ ẩm, độ lưu thông không khí đáp ứng yêu cầu bảo quản phù hợp với từng loại sản phẩm, có thiết bị kiểm tra, ghi chép các chỉ tiêu này. Kho bảo quản phải được bố trí thuận tiện cho việc xếp dỡ, vệ sinh, khử bẩn hoặc làm giảm chất lượng sản phẩm. Sản phẩm động vật về phải có nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật của cơ quan thú y nơi xuất phát.


Không bảo quản chung các loại sản phẩm có thể gây nhiễm bẩn hoặc làm thay đổi bản chất của sản phẩm về cảm quan, mùi vị. Sản phẩm động vật phải được đặt trên các kệ, giá được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước và không bị ảnh hưởng của hóa chất tiêu độc khử trùng. Sản phẩm được sắp xếp cách sàn nhà kho tối thiểu 0,3m, cách tường 0,5m, khoảng cách giữa các khối hàng tối thiểu 0,3m để bảo đảm lưu thông không khí, tạo độ lạnh đồng đều cho sản phẩm ở các vị trí khác nhau. Sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo qui định của pháp luật, được cơ quan kiểm dịch động vật xuất nhập khẩu có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu. Sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu được chia nhỏ, đóng gói lại khi lưu thông trên thị trường phải có tem kiểm tra của cơ quan thú y sở tại và nhãn hiệu hàng hóa theo qui định của pháp luật.


Chủ cơ sở sơ chế, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phải thực hiện đúng quy định về địa điểm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan thú y, chính quyền sở tại. Cùng với đó, báo cáo, xây dựng kế hoạch, đề xuất với UBND quận, huyện, thị xã củng cố, hoàn thiện các đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng chính quyền, thú y, y tế quản lý thị trường, an ninh trật tự địa phương... tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và các qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm.


Gần đây, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách chi tiết về nguồn gốc thịt từ thành phố đi các tỉnh cũng như danh tính chủ lô hàng cùng số lượng xuất đi và có địa điểm đến rõ ràng. Theo Chi cục, đây là cách để tăng cường quản lý các sản phẩm động vật đã qua giết mổ trên địa bàn.


Công bố danh tính cũng là cách mà TP Hồ Chí Minh đang hướng đến việc minh bạch thông tin sản phẩm, và chứng minh cho người dân đây là sản phẩm an toàn. Xa hơn, thành phố đang ứng dụng quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại. Có thể nói, so với nhiều địa phương trong cả nước, TP Hồ Chí Minh luôn có những bước đi tiên phong trong việc kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm. Quay lại chuyện mấy năm trước, địa phương này cũng đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT cho dùng kít - dụng cụ có thể định tính được các chất có trong thực phẩm bán tại các chợ, cửa hàng để đảm bảo những sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.


Không chỉ vậy, TP Hồ Chí Minh còn quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Mục đích là đưa những cơ sở giết mổ xa khu dân cư, vào những địa điểm mà cơ quan quản lý như Chi cục Thú y có thể thanh, kiểm tra dễ dàng, thay vì để cơ sở giết mổ này đóng tại các quận, huyện như lâu nay.


Tuy nhiên, vẫn cần sự phối hợp của người tiêu dùng, họ phải thay đổi thói quen ăn uống của mình. Để áp lực nuôi heo nạc không đặt vào vai người chăn nuôi, tạo điều kiện dễ dàng cho lực lượng quản lý vốn rất mỏng như hiện nay. Dù còn phải chờ thời gian để kiểm định tính đúng đắn của ý tưởng trên, thế nhưng người tiêu dùng vẫn nhận thấy những nỗ lực mà cơ quan quản lý đang làm, thay vì, cứ sau một thời gian lại ra một chỉ thị, thông báo, công văn… cần tăng cường kiểm tra, quản lý các sản phẩm giết mổ như cách mà nhiều địa phương đang làm hiện nay.
 
Hải Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo