Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị đi tù
19:08 - 25/05/2016
(TNNN) - Thời gian qua, vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận là việc chất cấm và kháng sinh đang bị người chăn nuôi tùy ý sử dụng một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, việc quản lý cũng như mức độ xử lý đối với những hộ chăn nuôi sử dụng loại chất này hiện lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người mua sẽ không thể phân biệt được đâu là thịt lợn được sử dụng thuốc tăng trọng và đâu là thịt nuôi theo quy trình an toàn vietgap

 
Theo các chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc lạm dụng chất cấm của những người chăn nuôi, giết mổ ngày càng nhiều bởi họ suy nghĩ đơn giản rằng kháng sinh để phòng và chữa bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, sau khi giết mổ, thịt của vật nuôi một khi đã được “ướp” kháng sinh sẽ bảo quản được lâu và tốt hơn nhiều so với các chất bảo quản khác.


 
Chính từ những suy nghĩ sai trái cùng sự thiếu hiểu biết này đã khiến cho lượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm tăng cao, từ đó sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người. Những thức ăn này khi được nạp vào cơ thể người cũng như của vật nuôi trong thời gian dài sẽ có nguy cơ làm tăng sức kháng thuốc của các loại vi khuẩn gây bệnh.

 
Tại Việt Nam đã ban hành “Danh mục cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi” (được quy định tại các Thông tư số 81/2009/TT-BNNPTNT và Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT). Các loại kháng sinh hóa chất quy định tại Thông tư này cũng đã được cấm ở hầu hết các nước trên thế giới.

 
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp & PTNT, hiện nước ta đang có 46 loại kháng sinh, hóa dược được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có 24 loại được quy định hàm lượng tối đa cho phép và 22 loại có trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.

 
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều đang dùng cao hơn quy chuẩn. Có 94 trại chăn nuôi lợn thịt, khi được điều tra đều cho thấy sử dụng kháng sinh cao hơn mức quy định từ 2- 4 lần.


 
Như vậy, có thể thấy trên cả 2 đối tượng lợn và gà, việc lạm dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện vẫn đang xảy ra. Việc làm này không những đã vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật mà còn có nguy cơ làm tăng lượng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và gây lãng phí về mặt kinh tế.

 
Theo PGS,TS. Lê Thị Hồng Hảo- Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, chất cấm trong chăn nuôi có 2 loại: Chất cấm (chất tăng trưởng, có 2 nhóm chính: Nhóm β2-agonist và nhóm steroid) và chất tạo màu Auramine (Vàng– O) dùng để tạo màu cho thức ăn chăn nuôi.


 
Các chất tăng trọng nhóm β2-agonist (được khuyến cáo thuộc dạng nguy hiểm nhất), đây là các dẫn xuất tổng hợp của catecholamine (adrenaline). Trong dược học, đây là nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các chất thuộc nhóm này còn có tác dụng làm giãn cơ trơn của đường khí phế quản dẫn đến mở rộng đường khí phế quản, giúp các bệnh nhân hen suyễn, bệnh đường phổi hô hấp bình thường trở lại.

 
Cụ thể, các chất β2-agonist là chất kích thích tăng trưởng sẽ thúc đẩy phát triển cơ bắp, phân giải lipid; điều khiển các chất dinh dưỡng tới mô cơ; tăng sinh quá trình tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ; giảm tích lũy mỡ trong cơ thể.


 
Chất này khi tác dụng trên cơ thể của lợn như sau: Từ ngày thứ 2 sau khi sử dụng là lợn đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi; từ ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển, thường nằm ngủ li bì; sau ngày thứ 10 lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Thường là khoảng sau 15 ngày sử dụng, người chăn nuôi sẽ phải xuất bán vì nguy cơ lợn bị gẫy chân là rất cao. Chất này không chỉ làm cho lợn nở mông, vai và siêu nạc mà còn cho kết quả tăng trọng ở lợn cao hơn từ 15- 20%.

 
Đối với chất Auramine (Vàng– O) là một chất dùng để tạo màu trong công nghiệp dệt. Đây là chất cấm không được phép sử dụng trong thực phẩm, chất này có thể hòa tan tốt trong nước, ethanol. Là chất màu vô cơ, được con người cho vào thức ăn chăn nuôi hoặc pha thành dung dịch ngâm gia cầm nhằm tạo màu vàng cho da, chân hoặc cho lòng đỏ trứng ở gà.

 

Con người khi sử dụng các loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất cấm, chất tạo màu cao sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe như: Rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, sẩy thai; gây dị ứng, ngứa trên da hoặc gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trụy tim mạch trên hệ tiêu hóa… Ngoài ra, khi người sử dụng thực phẩm chứa hóa chất tăng trưởng trong một thời gian dài còn có thể gây nên triệu chứng bị nhiễm độc gan, rối loạn hệ thống hormon cơ thể…

 

Trước những nguy hại nói trên đối với sức khỏe con người, Cục Chăn nuôi đề nghị, cần có các quy định cụ thể về vấn đề sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi như: Chỉ sử dụng khi vật nuôi có bệnh, tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán, áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAP... Đồng thời, cần sớm thành lập nhóm công tác kiểm tra đột xuất việc lạm dụng kháng sinh ngay tại các cơ sở chăn nuôi. Đặc biệt, lưu ý các nhóm hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn, tận dụng thức ăn thừa của các quán ăn và bếp ăn tập thể.

 
Căn cứ vào thực tế việc xử lý chất cấm, Quốc hội cũng đã xem xét và thấy cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người cố tình sử dụng chất cấm. Chính vì vậy, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã đưa vào Điều 190, 191, 195 và quan trọng nhất là Điều 317 là hành vi cấu thành tội phạm hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm; vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm thì đã đủ yếu tố để khẳng định cá nhân, tổ chức đó có phạm tội.


 
Theo ông Nguyễn Văn Việt- Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) sẽ chính thức áp dụng từ 1/7/2016, tăng nặng hơn rất nhiều đối với các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tức là cá nhân, tổ chức chỉ cần sử dụng, vận chuyển, kinh doanh trái phép chất cấm đã bị xử phạt chứ không còn phải chờ xem xác định hậu quả, tác hại như thế nào nữa.

 
Cũng theo Bộ luật này, những tổ chức hoặc cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ và hành vi sử dụng chất cấm. Người chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm còn có thể bị mất trắng vì đàn lợn sẽ bị tiêu huỷ khi phát hiện có sử dụng chất cấm.


 
Trước thông tin dùng chất tạo nạc có thể bị đi tù, rất nhiều hộ chăn nuôi khắp cả nước đã tỏ ra vô cùng hào hứng và tin tưởng rằng một khi luật được thực hiện nghiêm sẽ tạo nên sự công bằng trong chăn nuôi. Nhà nước cần mạnh tay với chất cấm bởi lâu nay, người nuôi lợn sạch vẫn luôn phải chịu nhiều thiệt thòi so với những cơ sở chăn nuôi không minh bạch. Có thể nói, đây là một quyết tâm rất lớn của Nhà nước ta trong việc quản lý, kiểm soát tốt vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.


 
Bảo Quốc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo