Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi
14:37 - 21/12/2015
Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cho vay không có tài sản bảo đảm để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi với lãi suất 1,2%/năm.
Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 27/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 của Ngân hàng Nhà nước.
 

Theo đó, đối tượng áp dụng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng.
 

Hộ gia đình được Ngân hàng cho vay không có tài sản bảo đảm để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam. Hộ gia đình được vay vốn để trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi với mức lãi suất là 1,2%/năm.
 

Căn cứ vào quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, các Ngân hàng xây dựng quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với hộ gia đình vay vốn đảm bảo đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện.

Trường hợp từ chối cho vay, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ xin vay vốn theo quy định, Ngân hàng phải thông báo bằng văn bản tới hộ gia đình vay vốn, trong đó nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2015.
 

Việc ký Hợp đồng vay vốn giữa Ngân hàng và hộ gia đình theo quy định tại Thông tư này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020 và các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng vay vốn, các văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng vay (nếu có) được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết hiệu lực.

Theo Khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định 75/2015/NĐ-CP, căn cứ thiết kế - dự toán trồng rừng, ngoài số tiền được hỗ trợ quy định tại Điều 5 của Nghị định này để trồng rừng sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ, hộ gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay không có tài sản bảo đảm phần giá trị đầu tư còn lại với mức vay tối đa là 15 triệu đồng/ha. Thời hạn cho vay từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm. Mức vay và thời gian vay cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định. Thời hạn trả gốc và lãi một lần khi khai thác chính.

Đối với cho vay phát triển chăn nuôi, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho vay không có tài sản bảo đảm để chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác với mức vay tối đa là 50 triệu đồng. Thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Mức vay và thời gian vay cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định.


Nguồn: Theo Chinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo