Chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
09:56 - 29/10/2015
(TNNN) - Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015, trong đó có những quy định mới về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo các chuyên gia, với chính sách này, cánh cửa xuất khẩu lao động (XKLĐ) thêm rộng mở, tạo điều kiện cho người lao động tham gia “xuất ngoại”, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội.
Nghị định 61 về chính sách hỗ trợ tạo viện làm và Quỹ quốc gia về việc làm có những điểm mới, thiết thực hơn. Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định 61/2015NĐ-CP, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ gồm: học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi; hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, chính sách còn hỗ trợ rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến vào dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.


Theo Dự thảo, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ như sau: học nghề ngắn hạn tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học không quá 12 tháng; học ngoại ngữ, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tối đa 530.000/người/khóa; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở các địa điểm học từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với các địa bàn các xã đặc biệt khó khăn tối đa 400.000đồng/lao động. Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ chi phí thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.


Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, là thân nhân của người có công với cách mạng được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết bằng 70% mức hỗ trợ cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.


Dự thảo đề xuất người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với nước tiếp nhận lao động hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài mà không được phía nước ngoài đài thọ sẽ được hỗ trợ một phần chi phí.


Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước: chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động; hỗ trợ hoạt động quảng bá về nguồn lao động Việt Nam; hỗ trợ hoạt động củng cố, phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Dự thảo Thông tư này được lấy ý kiến đến ngày 19/12/2015.
 
Thanh Mai
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo