Chính sách mới bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững
15:08 - 25/09/2015
(TNNN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng cụ thể của Nghị định này bao gồm: 1- Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo qui định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng như: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng. 2- Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo qui định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo qui định, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán. 3- Tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Theo Nghị định, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm, hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ tối đa 30 ha/hộ. Đối với bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Theo đó, trồng rừng bổ sung mức hỗ trợ theo thiết kế - dự toán, tối đa không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 03 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 03 năm tiếp theo.
 
Đối với trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ và hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công. Đối với trồng rừng phòng hộ, hộ gia đình được Nhà nước cấp kinh phí theo thiết kế - dự toán theo qui định. Riêng đối với hộ gia đình nghèo tham gia trồng hai loại rừng này thay thế nương rẫy thì được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.
 
Ngoài ra, hộ gia đình trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ còn được Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay không có tài sản bảo đảm với hạn mức tối đa 15 triệu đồng/ha. Thời hạn cho vay từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm, lãi suất 1,2%/năm.
 
Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo qui định còn được Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay không có tài sản bảo đảm để chăn nuôi trâu, bò, gia súc với hạn mức tối đa 50 triệu đồng, thời hạn vay lên tới 10 năm, lãi suất 1,2%/năm.
 
Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/11/2015.

Hoàng Long
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo