Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) vừa công bố một con số khiến cả xã hội giật mình: Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 49.000 vụ việc liên quan đến tội phạm tín dụng đen.
|
Ảnh minh họa |
Trong đó có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền thiệt hại lên đến gần 5.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Tội phạm từ tín dụng đen có 5 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản và 92 vụ cưỡng đoạt tài sản.
Vậy “tín dụng đen” có đặc điểm gì mà dẫn đến những hậu quả ghê gớm như vậy cho xã hội?
Đặc điểm lớn nhất của loại hình tín dụng này là thủ tục đơn giản, mà nói như một nạn nhân là có cải cách tới vài chục năm nữa, các tổ chức tín dụng khác cũng chưa đạt tới được. Chỉ cần vài chục phút là người vay nhận được tiền, với một mức lãi “khủng”.
Và trong khi thời hạn vay còn mà không trả được lãi, thì lãi sẽ được cộng vào gốc để tính lãi tiếp, hình thức này được dân gian gọi là “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Chỉ sau một thời gian, tiền lãi có khi gấp hàng chục lần tiền gốc. Hậu quả cuối cùng là từ đây sinh ra các tội phạm khác như cưỡng đoạt nhà, cướp đoạt tài sản, đánh dằn mặt để đòi nợ gây thương tích, gây chết người…
Đặc điểm thứ hai là người vay hứa trả lãi suất cao để vay nợ, khiến hàng chục người “dính chiêu” như trường hợp vợ chồng Quang - Quyên ở Đan Phượng (Hà Nội), vay đến trên 200 tỷ đồng, hay như vụ cô hiệu trưởng trường Phương Nam ở Hà Nội, cũng với chiêu bài trả lãi suất cao, đã vay tới 268 tỷ đồng, rồi đều không có khả năng trả, và hàng nghìn vụ khác tương tự trên cả nước.
Một số người khác, để vay được vài ba trăm triệu đồng, đã đưa sổ đỏ đất cho chủ nợ để làm tin. Hậu quả là từ đây sinh ra chuyện lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sổ đỏ ấy được chủ nợ đem thế chấp ngân hàng để vay số tiền lớn gấp cả chục lần như thế. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo sẽ thu hồi nhà trừ nợ, thì chủ nhân của sổ đỏ ấy mới ngã ngửa.
Theo LS Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty luật Basico, tuy tín dụng đen nhan nhản trong xã hội, nhưng về pháp lý không dễ gì khẳng định thế nào là tín dụng đen, vì chưa có quy định hay giải thích về pháp luật. Với hệ thống pháp luật như hiện nay, chỉ có trường hợp phạm tội cho vay nặng lãi mới được gọi là tín dụng đen. Còn sai trái trong hầu hết các trường hợp khác khó có thể gọi là tín dụng đen, và không hề bị xử phạt hành chính.
Còn LS Phạm Thế Truyền, công ty luật hợp danh Thiên Thanh, cho rằng trên thực tế chỉ xử lý hình sự dưới những tội danh khác như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… nên không đi vào bản chất của vấn đề, không có tác dụng ngăn ngừa tội phạm, thậm chí ông chủ tín dụng đen hầu như không bao giờ bị liên quan đến những tội phạm trên.
Để ngăn chặn nạn tín dụng đen, thì điều quan trọng nhất là các tổ chức tín dụng cần cải tiến thật nhanh, thật mạnh thủ tục, để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của mình, cũng nhanh như khi tiếp cận nguồn vốn của tín dụng đen vậy, để người dân không phải “đâm đầu” vào tín dụng đen.