Đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020
16:20 - 28/07/2015
(TNNN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 971/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", trong đó, sửa đổi đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".
Ảnh minh họa

Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.


Tại Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015, quy định trên đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" là lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm:
- Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã.
- Người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.


Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.


Đào tạo 6 triệu lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 là đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn, trong đó, khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp và 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.


Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng

Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới.


Thu hút các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo cho lao động nông thôn.


Nội dung chương trình đào tạo trình độ sơ cấp phải được xây dựng và phê duyệt theo đúng quy định hiện hành. Nội dung chương trình đào tạo dưới 3 tháng phải đảm bảo yêu cầu về kiến thức nghề, kỹ năng nghề và các kiên thức bổ trợ (an toàn lao động, pháp luật lao động, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm), có thời gian thực học tối thiểu không dưới 100 giờ thực học để người học có năng lực thực hiện được công việc, vị trí làm việc. Thực hiện lồng ghép các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa xã hội, kiến thức kinh doành và khởi sự doanh nghiệp trong nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Đào tạo chủ yếu là dạy thực hành

Quyết định cũng bổ sung quy định tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học.


Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.


Tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng; giữa các chính sách khác nhau, các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội kiến thức kinh doanh linh hoạt, phù hợp với đối tượng người học trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.


Bên cạnh đó, thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động.


Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.


Phát triển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu về biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho giáo viên dạy trình độ sơ cấp và người dạy nghề: chương trình tài liệu, bồi dưỡng công nghệ mới, chương trình tài liệu bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nghiệp vụ tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm, chương trình tài liệu bồi dưỡng kiến thực kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp đối với lao động nông thôn.

Đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho 7.500 người để bổ sung giáo viên cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu; đào tạo 5.000 giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp đối với lao động nông thôn.


Bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn cho 12.000 lượt người và 24.000 lượt cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam về giám sát việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã.

Quyết định có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 01/7/2015
 
Hoàng Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo