Điều 60 Luật BHXH: Quốc hội sẽ không sửa Luật
16:18 - 16/06/2015
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp thứ 9 vừa gửi đến Quốc hội kết quả tổng hợp Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về chủ trương ban hành Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Trước đó ngày 4/6, Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về điều luật. Kết quả phiếu thu về với 470 phiếu hợp lệ, trong đó 411 phiếu đồng ý (bằng 87,45 % số phiếu thu về hợp lệ), không đồng ý là 48 phiếu (bằng 10,21% số phiếu thu về hợp lệ). 11 đại biểu có ý kiến khác (bằng 2,34 % số phiếu thu về hợp lệ).

Từ kết quả kiểm phiếu trên, Quốc hội sẽ có Nghị quyết về việc "thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc”.

PV: Tinh thần của Nghị quyết này là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội sẽ có dự thảo Nghị quyết, hiện đang xin ý kiến ĐBQH. Dự thảo có tinh thần là đồng ý để người lao động được nhận BHXH một lần sau một năm đóng. Tất nhiên phải có thời hạn là từ nay tới năm 2020, còn sau đó lại tiếp tục thực hiện theo điều 60 (Luật BHXH 2014).

Ở đây không phải là sửa điều 60 mà là cho phép gia hạn thực hiện điều đó đến năm 2020.

PV: Có phải là tạm dừng thực hiện điều 60?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ở đây là cho phép được thực hiện chi trả BHXH một lần với một số đối tượng có nhu cầu sau một năm nghỉ việc. Sau đó tiếp tục thực hiện theo điều 60.

PV: Tức là vẫn thực hiện theo điều 55 của luật BHXH cũ?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đúng như vậy. Vì điều 60 vẫn đúng chứ có sai đâu, đúng thông lệ quốc tế. Nếu có yêu cầu thì vẫn cho phép áp dụng điều 55 luật cũ.

PV: Làm sao để tránh lạm dụng điều 55 cũ để người lao động xin nhận bảo bảo hiểm một lần hàng loạt?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đương nhiên khi người ta có nhu cầu thì phải giải quyết, vì có cơ chế đâu? BHXH sẽ có quy định, còn cơ bản là sẽ đáp ứng theo đúng nhu cầu của người lao động.

Đây là giải quyết trước mắt, còn mong muốn của ta tiến tới điều 60 là đảm bảo về lâu dài cho người lao động. Tức là khi họ nghỉ hưu thì có đồng lương. Về lâu dài, điều 60 đi tới đích đó, phù hợp với quốc tế.

 
Nhiều người lao động vẫn muốn lĩnh "một cục" khi nghỉ việc.

PV: Chúng ta sẽ áp dụng điều 55 theo luật cũ đến bao giờ?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện đang xin ý kiến Quốc hội là đến 2020.

PV: Khi nào thông qua Nghị quyết này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chiều 22/6 Quốc hội sẽ thông qua và có hiệu lực luôn kể từ ngày ký ban hành.

PV: Cử tri có băn khoăn về cách làm luật của Quốc hội khi một điều luật chưa có hiệu lực đã bị phản ứng. Quốc hội có rút kinh nghiệm gì không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo tôi, trong quá trình tiến hành sửa luật BHXH, điều 60 hầu như không thấy có ý kiến nhiều. Bởi vì khi Chính phủ trình sang, Quốc hội, Chính phủ không có lý giải nhiều về điều 60. Trong quá trình làm cũng có ý kiến bên Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này, nhưng Chính phủ chuyển sang Quốc hội đề nghị sửa như thế.

Qua theo dõi, đại biểu Quốc hội cũng không có nhiều ý kiến về vẫn đề này. Nếu có tranh luận nhiều thì sẽ có 1 – 2 phương án ngay.

Bên cạnh đó, điều 60 được sửa rất phù hợp. Qua nghiên cứu tất cả các nước trên thế giới đều như thế. Thậm chí có những doanh nghiệp như hãng Nike của Mỹ có tới 140.000 lao động thì họ cũng có ý kiến gì đâu.

Ngay cả lao động ở Thái Nguyên, hàng trăm ngàn công nhân cũng rất đồng thuận với điều này. Họ cho điều 60 là rất đúng. Số doanh nghiệp may mặc lớn ở trong nước cũng không có ý kiến gì.

PV: Nhiều đại biểu khi thảo luận tại tổ cho biết, ý kiến của họ không được ban soạn thảo tiếp thu nên mới xảy ra tình trạng như vừa qua? Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Không phải là không tiếp thu, mà sau khi xin ý kiến các đối tượng chịu tác động (của luật), nhất là bên cơ quan TLĐLĐ, cũng có ý kiến, văn bản gửi sang Chính phủ và có báo cáo với Chính phủ.

Qua nghiên cứu, khảo sát, cả phương án bảo đảm lâu dài cho người lao động, Chính phủ thấy rằng không tiếp thu điều đấy, giữ nguyên điều 60. Cái đó hướng tới thông lệ chung, vì quyền lợi lâu dài cho người lao động. 

Tránh trường hợp người lao động về già không có lương, chờ đến 80 tuổi hưởng trợ cấp xã hội thì sẽ rất lâu. Tất cả các nước đều thế cả.

PV: Sau này, các cơ quan của Quốc hội có đến cơ sở để giám sát, có biện pháp thông tin tuyên truyền tới người lao động về điều 60?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tất nhiên là có. Theo tôi, trách nhiệm của Chính phủ là chính, các cơ quan thông tin đại chúng cũng góp phần cùng Chính phủ để giải thích cặn kẽ cho người lao động hiểu ý nghĩa, tác dụng của điều 60, hiểu Nghị quyết của Quốc hội.

Giải thích cặn kẽ ta chưa làm được, bởi vì chưa có nghị định hướng dẫn điều 60. Khi đã có hướng dẫn, người dân hiểu đầy đủ rồi thì chắc sẽ có sự đồng thuận rất cao.

PV: Liệu việc này có thành tiền lệ cho các luật khác?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Cố gắng là không.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Luật BHXH cũ cho phép người lao động tham gia đóng Bảo hiểm được thanh toán một lần khi không còn tiếp tục lao động. Từ ngày 1/1/2016, theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, người lao động sẽ không được thanh toán một lần số tiền đã đóng bảo hiểm, mà phải đến lúc nghỉ hưu mới được sử dụng.

Quy định này đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người lao động, trong đó có công nhân Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh vì nhiều người muốn nhận khoản tiền này ngay sau khi họ nghỉ việc.

 
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo