"Việc người dân không tiếp cận được chính sách thì lỗi là do cán bộ thừa hành nhiệm vụ vô trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ..." - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng nói thêm.
“Có những chính sách tốt, đi vào cuộc sống. Nhưng cũng có những chính sách ban hành không hiệu quả. Và, nguyên nhân quan trọng khiến nó khó được thực thi, hoặc thực thi không hiệu quả, là do cái tâm, cái tầm của lãnh đạo còn thiếu và yếu”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Hồ Xuân Hùng (ảnh), chia sẻ.
Đừng hy vọng chính sách phù hợp với mọi địa phương
Thưa ông, không ít chính sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ban hành nhưng thực thi kém hiệu quả. Từ thực tế công tác quản lý Nhà nước nhiều năm, ông đánh giá thế nào?
Có thể nói là nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đặc biệt là từ 10 năm trở lại đây lại càng nhiều chính sách hơn nữa được ban hành. Tôi nói ví dụ, trên địa bàn 1 xã của đồng bào miền núi có tới hơn 30 chính sách hỗ trợ, từ xóa đói giảm nghèo, chương trình 135, 134, chương trình 30a, chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm tổn thất sau thu hoạch…
Có những chính sách đến với nông dân rất hiệu quả, nhưng không ít chính sách không đi vào thực tế. Thậm chí, chỉ trong phạm vi một chính sách, địa phương này áp dụng rất tốt, nhưng địa phương khác lại khó áp dụng, hoặc không áp dụng được… Điều này dẫn tới một thực tế là người dân nghi ngờ về chính sách, bởi họ không được hưởng lợi ích gì từ những chính sách này.
Tôi đưa ra ví dụ thế này, Nghị định 210 khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó quy định giảm tiền thuê đất, tiền thuế cho DN. Tuy nhiên, Nhà nước không cân đối khoản hỗ trợ này mà yêu cầu các địa phương phải bố trí ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ cho DN.
Như vậy, đối với địa phương có nguồn thu ngân sách lớn thì không sao, nhưng những địa phương đang phải phụ thuộc lớn vào việc cân đối ngân sách từ Trung ương lại rất khó. Mà chính những địa phương khó khăn đó mới thực sự cần sự vào cuộc, sự đầu tư của các DN để vực dậy, hay góp phần phát triển KT-XH nông thôn.
Như vậy, theo ông, có sự không đồng bộ trong việc ban hành các chính sách trên?
Đúng là đối với một chính sách, rất khó có thể phù hợp với tất cả các địa phương. Do đó, việc không đồng bộ giữa chính sách và thực tiễn không phải hiếm. Hay tôi nói có những chính sách rất cụ thể mà lại phản tác dụng. Ngay khi tôi còn đang làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An, chính sách miễn giảm học phí cho con em thương binh là rất tốt. Nhưng khi thực hiện thì lại bất cập, là bởi tỉnh, huyện không bổ sung khoản kinh phí này cho các trường.
Ở Nghệ An, có những xã rất nhiều con em thương binh, bởi thế một số trường họ không nhận các đối tượng này vì nhiều quá, trường không có tiền để bù đắp, cân đối. Vì thế, tỉnh lại phải chi ngân sách cho các trường để các trường thực hiện tốt chính sách này. Mà đã chi ngân sách bổ sung thì phải thông quan HĐND, rất nhiêu khê.
Một chính sách tuy là cũ, nhưng nhắc lại để thấy rằng, rất nhiều chính sách hiện hành đang đi theo vết xe đổ này.
Hay như chính sách hỗ trợ lãi suất. Về lý thuyết, chính sách này rất hay, nhưng đi vào thực tiễn thì lại khó triển khai. Cụ thể là nông dân vay vốn để phát triển SX thì phải lập dự án, kể cả mua một cái máy bơm nước. Tôi nói thật, nông dân làm sao có đủ khả năng để lập dự án vay vốn. Thế là họ lại phải đi thuê, đương nhiên là mất thêm chi phí, rồi phí bôi trơn cán bộ ngân hàng…
Thủ tục nhiêu khê, dân nản!
Thưa ông, có những chính sách như ông nói, về lý thuyết rất hay, nhưng lại khó triển khai. Vậy nguyên nhân có phải do bộ máy công quyền, cán bộ công chức vô trách nhiệm với việc thực thi?
Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính. Cái tâm của người lãnh đạo, cái tầm của sự chỉ huy là chưa có. Một chính sách dù có cụ thể bao nhiêu cũng không thể sát với thực tế ở tất cả các địa phương. Vì vậy mới sinh ra các cấp chính quyền địa phương để cụ thể hóa những chính sách của Trung ương.
Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều DN, nhiều người dân, họ nói là đến UBND tỉnh không có gì vướng hết, từ cấp chuyên viên văn phòng cho tới chủ tịch, phó chủ tịch. Nhưng lại mắc ở các sở, ngành. Một văn bản mà phải xin ý kiến xác nhận của 4, 5 sở, ngành thì làm gì chả mất thời gian, thậm chí còn không được việc. Hôm nay thiếu thủ tục A, mai thiếu thủ tục B… như thế dân rất nản.
Ảnh minh họa
Có nơi thoát được các sở, ngành thì lại vướng vào sự trì trệ của các cán bộ trực tiếp thực thi chính sách. Trách nhiệm của họ với dân, tôi cho rằng quá kém. Ở đây, với trách nhiệm vừa là công chức thực thi nhiệm vụ, cộng với cái tâm của họ với người dân, đều yếu và thiếu.
Có những chính sách hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh… như vụ ngao chết ở Tiền Hải (Thái Bình) mà báo NNVN đã phản ánh, khi ngao chết, người dân mới tìm hiểu và biết được có chính sách này. Vậy thì rõ ràng là chính sách chưa đến được với người dân, thưa ông?
Đấy là một khía cạnh bất cập nữa của chính sách. Cái này không phải hiếm và cũng dễ lý giải, người dân làm sao đủ thông tin được. Tôi có theo dõi rất sát những chính sách đã được ban hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì thấy rằng, chính sách quá rườm rà, phức tạp và đôi khi có những thuật ngữ mà ngay cả những người thực thi chính sách ở địa phương còn khó hiểu, nữa là nông dân.
Như vậy, chúng ta phải khẳng định rằng, cách đưa chính sách tiếp cận với nông dân của chúng ta đang có vấn đề. Phải truyền tải thông tin một cách dễ hiểu, dễ đọc. Đằng này, ông cán bộ trực tiếp thực thi chính sách coi việc hỗ trợ đấy như bí mật của riêng mình, ai hỏi thì trả lời, không thì thôi.
Việc người dân không tiếp cận được chính sách thì lỗi là do cán bộ thừa hành nhiệm vụ vô trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.
Khi còn đương nhiệm, tôi đã từng nghiên cứu rất kỹ chính sách phát triển mây tre của Trung Quốc. Họ đưa ra chính sách là tất cả những hộ, từ trồng tre đến chế biến ở những khâu cuối cùng ra thành phẩm, được miễn thuế. Còn mua sắm máy móc, thiết bị chế biến được giảm 50% lãi suất ngân hàng. Đấy, chỉ có 2 dòng là thành một chính sách sát với thực tiễn. Còn đối với chúng ta, việc ban hành chính sách phải căn cứ vào điều nọ, khoản kia cả mấy chục trang, thì nó đi vào cuộc sống đương nhiên cũng phải dài như chính bản thân chính sách ấy.
Dân làm sao có đủ mẹo để lừa
Có một câu chuyện ở một tỉnh phía Bắc, đó là để được hỗ trợ 18 nghìn đồng/sào ruộng theo chính sách hỗ trợ đất lúa, người dân phải làm đến 20 thủ tục, và có tới hơn chục lần phải ký. Như vậy, theo ông, phải chăng chúng ta đang tự làm khó mình khi ban hành và thực hiện chính sách?
Tôi có biết chuyện này. Ở đây phải lý giải thế này: Chúng ta đã bị thất thoát rất nhiều trong chuyện hỗ trợ cho nông dân, như câu chuyện đàn dê, đàn gà đi lạc vào nhà quan xã, quan huyện mà báo chí đã phản ánh. Bởi thế, những người làm chính sách mới ban hành thêm nhiều thủ tục ràng buộc, mục đích là đề phòng chuyện thất thoát ấy. Nhưng, với quá nhiều thủ tục, giấy tờ, thì chi phí nuôi bộ máy xử lý những việc ấy, tôi cho rằng còn tốn kém hơn cả chi phí hỗ trợ kia. Ngoài ra, cái chuyện phiền hà của người dân còn chưa được đề cập đến. Đây mới là cái mất mát nhiều hơn.
Tôi rất buồn là phần lớn cán bộ là con em nông dân. Nhưng bây giờ xây dựng và triển khai chính sách thì lại không đứng về phía nông dân. Đây là nỗi đau lớn nhất mà chúng ta phải xem xét lại cách giáo dục đội ngũ công chức.
Theo ông, phải ban hành chính sách thế nào để hợp hơn nữa, sát hơn nữa với nông dân?
Phải nghĩ cách để dân hưởng trực tiếp, tránh trung gian, tránh nhiều thủ tục rườm rà. Phải phân loại ra, cái gì có thể hỗ trợ trực tiếp thì phải đơn giản hóa thủ tục đi. Còn nếu không hỗ trợ trực tiếp, cũng cần giảm thiểu những quy định. Tôi nói ví dụ, trong chuyện hỗ trợ giống, Nhà nước đứng ra mua giống, giao cho các đơn vị làm giống làm việc trực tiếp với dân. Nếu giả sử có chuyện gian lận ở đây thì xử lý cũng dễ hơn, vì chỉ phải xử lý ở một đầu mối là đơn vị làm giống.
Những chuyện như thế, không phải chúng ta không làm được. Minh chứng rõ nét nhất là chuyện hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Chính sách này được nông dân hưởng ứng nhiệt liệt, vì nó rất đơn giản, đi nhanh vào cuộc sống, thiết thực với cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn ông!