Cần thiết quy định thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự
Sáng 21/4, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo: “Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”. Thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đại biểu.
Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 447 điều, được bố cục thành 8 phần, 37 chương. So với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 226 điều, sửa đổi 184 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều; trong đó bỏ phần về thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và bổ sung chương về thủ tục rút gọn, thủ tục công nhận quyết định hòa giải ngoài Tòa án.Theo ông Lê Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao, dự thảo Bộ Luật bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự để giải quyết những tranh chấp nhỏ, chứng cứ rõ ràng một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Bản án, quyết định được giải quyết theo thủ tục rút gọn được quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục. Thủ tục phúc thẩm đối với những vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn cũng được xây dựng theo hướng thủ tục xét xử bút lục.
Thực tiễn cho thấy, pháp luật dân sự luôn có xu hướng đặt ra những quy định, trình tự, thủ tục chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Song, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng chính sự quy định chặt chẽ đó vô hình chung đã hình thành nên những thiết chế tố tụng phức tạp, tốn kém, quá trình tố tụng kéo dài. Việc này còn dẫn đến tình trạng án tồn đọng ngày càng tăng, quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, việc bổ sung thủ tục rút gọn vào Bộ luật tố tụng (dân sự) là yêu cầu hết sức bức thiết với tình hình nước ta hiện nay. Qua khảo sát hơn 8.000 doanh nghiệp của VCCI cho thấy đa số ủng hộ thủ tục rút gọn này trong tố tụng dân sự.
Hoan nghênh quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Bộ luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng– Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, thủ tục này sẽ góp phần giải quyết vụ kiện một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Triều Dương, giảng viên Đại học Luật Hà Nội đề nghị, cân nhắc việc quy định hay không thủ tục phúc thẩm trong thủ tục rút gọn. Theo ông Dương, không nên quy định không có thủ tục phúc thẩm trong thủ tục rút gọn mà cần quy định chỉ phúc thẩm trong một số trường hợp cụ thể, nhất định; đồng thời ấn định thời gian cụ thể bản án rút gọn có hiệu lực, tránh tình trạng đương sự lợi dụng kéo sang vụ án thông thường khác.
Đồng tình với việc không nên có thủ tục phúc thẩm trong thủ tục rút gọn, song nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.
Qua thảo luận cũng cho thấy, điểm nhấn về thủ tục rút gọn hướng đến thụ lý những vụ án với số tiền tranh chấp ở mức 100 triệu đồng.
Đại diện một số ngân hàng, doanh nghiệp đề nghị không nên quy định mức trần điều kiện thụ lý một vụ án theo thủ tục rút gọn là 100 triệu đồng. Bởi, theo các doanh nghiệp, với số tiền đó họ sẽ không đi kiện vì đưa một vụ án ra tòa đến lúc thi hành án được, mất rất nhiều thời gian và gây mệt mỏi cho các doanh nghiệp, số tiền nếu thắng kiện được là 100 triệu đồng so với công sức và thời gian bỏ ra là không xứng đáng.../.