Một đề xuất 'lạ lùng' ở Lào Cai: Trồng chè hạt làm vùng hàng hóa!
Những ngày qua, tại xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xôn xao câu chuyện huyện này đề xuất trồng chè hạt thay chè giâm cành để làm vùng hàng hóa tập trung.
Thậm chí, đã có những lá thư nặc danh “tố” dự án trồng chè của huyện Mường Khương nhập nhèm trong việc trồng chè hạt, quyết toán chè giâm cành. PV NNVN đã về tận nơi để xác minh câu chuyện lùm xùm này.
Trồng chè hạt làm hàng hóa?
Tả Thàng là xã vùng sâu, xa, gần như khó khăn nhất của huyện biên giới Mường Khương. Chính vì lẽ đó, từ lâu, Tả Thàng đã hình thành nên vùng trồng chè, đặc biệt là giống chè Shan cổ thụ. Bao đời nay, bên cạnh ngô, lúa nương, cây chè đang tạo ra thu nhập chính cho người dân nơi đây.
|
Huyện Mường Khương đề xuất đưa chè hạt vào vùng SX hàng hóa |
Ông Vương Văn Dầu, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng cho biết, tổng diện tích chè của xã khoảng 40ha. Tả Thàng đang nằm trong vùng dự án trồng chè hàng hóa chất lượng cao của huyện Mường Khương.
Về câu chuyện chè hạt, ông Dầu cho biết, nguồn cơn bắt đầu từ cuối năm 2016. Vào khoảng cuối tháng 10/2016, khi người dân vừa thu hoạch vụ lúa xong, lúc nông nhàn chuyển sang trồng chè. Tới tháng 11/2016, cùng với sự vận động của chính quyền xã, người dân Tả Thàng bắt tay vào làm cây chè. Tuy nhiên, thời điểm đó, lượng giống cung ứng cho người dân không đủ.
Theo ông Dầu, không còn cách nào khác, người dân nghĩ sang chuyện trồng chè hạt. Một số hộ dân đã đi về vùng chè xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) để mua hạt giống chè Shan về trồng. Cụ thể là 7 hộ dân thuộc 2 thôn Bản Phố và Sú Dí Phìn (xã Tả Thàng). Như vậy, thời điểm cuối năm 2016, đầu 2017, người dân ở Tả Thàng trồng được 5,1ha chè giâm cành và 6,02ha chè hạt.
Ông Nông Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thàng thì cho biết, đây là lần đầu tiên người dân địa phương sử dụng chè hạt để trồng. Sau gần 1 năm trồng, xã cũng chưa đánh giá được hiệu quả khác biệt của 2 loại chè này ra sao.
Ngành nông nghiệp thẳng thừng bác bỏ
Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, trước những thông tin trên, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Mường Khương, xã Tả Thàng kiểm tra, xác minh làm rõ.
Ông Vương Văn Dầu, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng cho biết, mới đây tiếp tục có khoảng 10 hộ xin được trồng chè hạt vào vùng sản xuất. Xã đã gửi đề xuất lên huyện để chờ ý kiến chỉ đạo! |
Qua kiểm tra thực tế, 3/7 hộ trồng chè hạt thì duy nhất hộ ông Thào Của, thôn Bản Phố là có đào rãnh và trồng trong bãi trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Về mật độ, khoảng cách hơi dày, tỷ lệ cây sống đạt 85%. Hộ ông Lù Di và Vàng Già (cùng thôn Bản Phố) trồng chưa đúng theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn như sử dụng thuốc trừ cỏ phun xử lý thực bì, không đào rãnh mà chỉ cuốc hố trồng, không chăm sóc, không có cây che bóng nên tỷ lệ sống kém.
Cũng qua xác minh, UBND huyện Mường Khương chưa có văn bản chỉ đạo nhân dân trồng chè Shan bằng hạt, trong vùng quy hoạch trồng chè hàng hóa của huyện. Việc dân trồng chè bằng hạt là do tự phát của người dân. Việc quyết toán nhập nhèm như tố cáo là chưa xảy ra.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương đề nghị Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Lào Cai đồng ý cho chủ trương trồng chè hạt vào vùng quy hoạch chè hàng hóa, có cơ chế hỗ trợ nhân dân trồng chè trực tiếp bằng hạt (đối với cây chè Shan).
|
Đề xuất đưa chè hạt vào vùng SX hàng hóa bị Sở NN-PTNT Lào Cai bác bỏ |
Trước việc này, tại cuộc họp thường kỳ, ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lào Cai, bác đề xuất của huyện Mường Khương đưa chè hạt vào vùng chè hàng hóa. Lý do là trồng chè hạt đối với diện tích chè sản xuất hàng hóa không phù hợp.
Theo ông Tuấn, thời vụ thu hạt giống nằm cùng với thời vụ trồng chè (tháng 10 - 12 hàng năm). Do vậy, thời gian trồng chè hạt phải thực hiện vào cuối vụ xuân năm kế tiếp. Bên cạnh đó, việc tổ chức thu gom quả chè và hạt chè từ những nương chè không kiểm soát được nguồn gốc dẫn đến không kiểm soát được chất lượng của đồi chè sau này.
Về mặt kỹ thuật, việc nhân giống chè bằng hạt là nhân giống hữu tính. Vì vậy, đồi chè kinh doanh hàng hóa sau này sẽ bị phân ly, chất lượng của đồi chè sẽ không đồng đều. Mặc dù trồng chè hạt sẽ có tuổi thọ của cây dài, tuy nhiên thời gian kiến thiết cơ bản cũng bị kéo dài theo, năng suất và chất lượng sản phẩm chè trồng bằng hạt cũng bị giảm sút, cây chè sẽ khó chăm sóc. Trên thực tế, việc trồng chè hạt tại huyện Mường Khương cơ bản không theo đúng quy trình kỹ thuật, không chăm sóc do đó không đạt yêu cầu.
Bên cạnh việc bác đề xuất, Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai không nhất trí với phương án trồng chè hạt của UBND huyện Mường Khương. Bởi lẽ, trồng chè nhân giống bằng hạt chỉ nên dử dụng cho việc trồng chè trong rừng phòng hộ, không sử dụng cho chè sản xuất tập trung tạo vùng hàng hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Lào Cai đang khuyến khích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao. |