(TNNN)- Đó là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm công nghiệp trong ao đất, rủi ro rất thấp, năng suất rất cao.
|
Phong trào nuôi tôm áp dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ nông dân nhân rộng (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Gia đình chị Trần Thị Bàng- thành viên của Tổ hợp tác nuôi thủy sản Toàn Thắng, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh có 4ha nuôi tôm thẻ chân trắng đã hơn 10 năm nay. Những năm gần đây, việc nuôi tôm của gia đình chị gặp khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là tình hình dịch bệnh ngày càng bùng phát dữ dội.
Chị Bàng quyết định đầu tư 2,5 tỷ đồng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Chị cải tạo lại khu nuôi, xây dựng 3 ao lắng, 1 ao sẵn sàng, 1 ao chứa chất thải, 4 ao nuôi (1.500m2/ao), 2 ao ương (500m2/ao). Hiện gia đình chị đã thu hoạch 4 vụ (3 tháng/vụ) tôm, sản lượng hơn 30 tấn thương phẩm, thu về lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.
Theo chị Bàng, trước đây nông dân nuôi tôm thường bị ô nhiễm, phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày (200 con giống/m2 so với 50 con giống/m2 khi nuôi trong ao đất) nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường. Trung bình chi phí đầu tư theo mô hình này khoảng 2 tỷ đồng/ha. Đổi lại, việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ tôm.
Chỉ với 2 ao nuôi tôm công nghệ cao lót vải bạt rộng gần 3.500m2, từ đầu năm đến nay ông Nguyễn Trường Đại ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, đã thu hoạch được gần 20 tấn tôm thịt, đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Ông Đại so sánh: “Với cách nuôi truyền thống trong ao đất tôi thường thả 50 con giống/m2, nhưng với ao lót bạt tôi thả đến 200 con/m2. Nhờ quy trình nuôi an toàn sinh học, chọn lọc con giống tốt nên con tôm khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ 25-30 con/kg. Đây là mức trọng lượng rất khó đạt được nếu nuôi theo quy trình cũ”. Vụ thu hoạch vừa qua với diện tích ao khoảng 2.000 m2, ông Đại thu được trên 8 tấn tôm thịt, năng suất cao hơn gấp 4 lần so với cách nuôi truyền thống.
Ông Thái Minh Thức là một trong những hộ tiên phong đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghệ cao tại ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, ông bắt tay vào cải tạo 2 đầm nuôi công nghiệp của gia đình, với tổng diện tích 2,5 ha nuôi tôm theo công nghệ cao. Mặc dù có đầu tư nhiều vốn, như trải bạt, máy tạo ô-xy, máy xử lý nước… nhưng qua 4 kỳ thu hoạch ông đều thành công, năng suất từ 24-30 tấn/ha, cao gấp 5 lần nuôi tôm công nghiệp.
Đến nay phong trào nuôi tôm áp dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ nông dân nhân rộng. Đầu tư nuôi tôm theo mô hình này bên cạnh vốn đầu tư lớn, mô hình còn đòi hỏi nông dân phải biết thiết kế kỹ thuật công trình, cao trình, hệ thống cống xả, vận hành thay nước... Tuy nhiên, nếu đầu tư đúng và tuân thủ quy trình nuôi, tỷ lệ tôm chết là rất thấp. Đây là hướng đi tất yếu đối với người nuôi tôm hiện nay. Với mỗi héc-ta nuôi tôm, nông dân chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại xây dựng ao ương, ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, ao chứa phân, bùn và hệ thống xử lý biogas.