Cần chọn giống lúa phù hợp để phát triển bền vững
17:12 - 28/09/2017
(TNNN)- Trước yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng ngành sản xuất lúa gạo, yêu cầu đặt ra cho các nhà chọn tạo giống lúa là phải có các giống của Việt Nam với chất lượng tốt, năng suất cao, chống chịu với phần lớn các yếu tố bất lợi: Rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, virus, hạn, mặn, ngập trong 10 hoặc 15 năm tới. 
Đến nay, Việt Nam có trên 80% diện tích lúa được trồng bằng các giống lúa cải tiến 


Bộ môn Di truyền, Viện lúa ĐBSCL chọn tạo thành công giống OM7347 từ năm 2005, được Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách là giống quốc gia năm 2011. Giống lúa này được trồng khảo nghiệm so sánh năng suất từ vụ Đông Xuân 2008 - 2009 phát triển ở các tỉnh vùng ĐBSCL đến nay trên 20.000ha.
 
 
Đây là giống đặc sản, ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày. Cứng cây, khả năng đẻ nhánh khỏe, chiều cao cây từ 100 - 105cm, năng suất 6 - 8,5 tấn/ha, được xếp trong nhóm hạt to, đẹp. Khả năng kháng bệnh đạo ôn (cấp 5), kháng rầy nâu (cấp 3), kháng bạc lá (cấp 3). Thích hợp điều kiện thâm canh, trên đất phèn, mặn nhẹ, chống chịu khô hạn khá tốt ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ. Thích nghi rộng và năng suất ổn định nên duy trì sản xuất khá lâu ở ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ.
 
 
Phẩm chất gạo tốt, chiều dài hạt trung bình 6,92mm, độ bền gel 85,67mm, hàm lượng amylose đạt 16,8%, mùi thơm cấp 1. Gạo đẹp, hạt thon dài và ngon cơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giống lúa này được Cty CP GENTRACO sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu. 
 
 
Giống lúa Bắc Thịnh đã được Bộ NN&PTNT triển khai sản xuất thử và công nhận chính thức từ năm 2015. Hiện nay giống lúa đã được người nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh miền Bắc, miền Trung ưa chuộng và đưa vào sản xuất bởi năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon, khả năng chống chịu cao với sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết. Giống lúa Bắc Thịnh là giống lúa cảm ôn, gieo cấy cả 2 vụ/năm, giống thích ứng rộng trên nhiều chân đất khác nhau, phù hợp trên ruộng vàn, ruộng hơi trũng, vàn cao.
 
 
Theo thông tin từ Công ty Giống nông nghiệp Thành Vinh (xóm 6, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An – đơn vị cung ứng giống lúa Bắc Thịnh) cho biết: Giống lúa Bắc Thịnh đưa vào gieo cấy trên địa bàn Nghệ An đã được 2 năm 1 vụ. Vụ xuân 2017, giống lúa này được bà con nông dân các huyện: Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Yên Thành đưa vào gieo cấy với số lượng 15 tấn giống, tương đương khoảng 400 ha. Trong đó, một số huyện như Nam Đàn, Thanh Chương… đạt năng suất 70 tạ/ha.
 
 
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, giống lúa Bắc Thịnh đã được đưa vào gieo cấy tại một số địa phương trong tỉnh. Qua đánh giá tại một số mô hình như tại xã Diễn Phúc (huyện Diễn Châu) cho thấy: Lượng giống sử dụng trung bình 1,2 kg/sào. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp mưa rét, nắng thất thường, nhưng các loại sâu bệnh: đạo ôn, bạc lá… nhiễm nhẹ, bà con nông dân chỉ phun 1 lần thuốc BVTV.
 
 
Giống lúa Bắc Thịnh có kiểu hình cây gọn, cứng, chống đổ tốt, chiều cao cây trên dưới 1m, khả năng đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, bông dài, hạt lúa thon dài, xếp hơi sít, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc 83%, thời gian sinh trưởng 128 - 130 ngày. Hiệu quả kinh tế trong xây dựng và thực hiện mô hình liền kề cho thấy, hạn chế dịch hại trên giống lúa Bắc Thịnh giúp nông dân giảm thiểu các chi phí đầu vào: Giống, phân bón hóa học, thuốc BVTV, công chăm sóc phòng trừ dịch hại… đã cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 66 tạ/ha, lãi so với đầu tư đạt gần 22 triệu đồng/ha.
 
 
Đến nay, Việt Nam có trên 80% diện tích lúa được trồng bằng các giống lúa cải tiến và ngành nông nghiệp đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống lúa. Trong đó, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long với phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học (marker phân tử, nuôi cấy túi phấn) kết hợp với khảo nghiệm đồng ruộng đã chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt như: OM1490, OM2517, OM3536, OM2717, OM2718, OM3405, OM4495...
 
 
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm với phương pháp thu thập nguồn vật liệu giống lúa cạn chịu hạn địa phương và các dòng lúa cải tiến nhập nội từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) với phương pháp lai hữu tính kết hợp với gây đột biến để tạo ra các tổ hợp lai có khả năng chịu hạn khá và năng suất cao như CH2, CH3, CH 133, CH5, HD8, P6, XH8…trồng rộng rãi ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
 
 
Viện Di truyền Nông nghiệp tạo ra hàng loạt giống lúa nổi tiếng như DT10, DT11, A20, DT33, DT122, DT22, DT37, ĐS1,VS1, Khang Dân đột biến, DT68…có năng suất cao chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng là những giống chủ lực của miền Bắc vào những thập niên 90 của thế kỉ trước và tiếp tục phát huy ở thời gian hiện nay.
 
 
Việt Nam cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất lúa lai hai và ba dòng như Việt Lai 20,TH3-3,TH3- 4, TH3-5…  của Trường Đại học Nông Nghiệp 1 Hà Nội, các giống HYT 100, HYT 103, HYT 108,... của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
 
 
Để nghiên cứu, chọn tạo ra những loại giống phù hợp, chất lượng cao mang thương hiệu Việt, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo thế giới đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Hữu Hoàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo