Vì sao chưa phát huy nguồn gen quý từ 1.600 giống lúa cổ truyền?
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay nhà trường còn lưu giữ bảo quản trong ngân hàng giống lúa trên 1.600 giống lúa cổ truyền của vùng ĐBSCL.
|
Nghiên cứu giống lúa ở trường ĐH Cần Thơ (Ảnh: HĐ) |
Đáng quý trong ngân hàng gen của trường còn sưu tập trên 600 mẫu lúa rẫy ở Tây Nguyên và vùng cao của Việt Nam, trong số này có nhiều giống thuộc nhóm japonica như lúa Nhật có hạt tròn, thơm, dẻo được nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao ưa chuộng và canh tác đến nay.
Theo các nhà chuyên môn di truyền chọn tạo giống, lúa mùa có nhiều đặc tính quý, gạo có phẩm chất cơm thơm ngon mà các giống lúa mới sau này không thể sánh bằng. Việc bảo tồn rất hữu ích, phục vụ cho các công trình nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới có khả năng chống chịu phèn, mặn, ngập nước; kháng được một số bệnh phổ biến.
Thời gian qua trong điều kiện thiếu kinh phí, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL đã linh hoạt sử dụng từ nhiều nguồn kinh phí trong và ngoài nước để nghiên cứu một số vấn đề cấp thiết như chống chịu rầy nâu, hạn, phèn, mặn, phẩm chất lúa gạo… sử dụng từ nguồn gen của ngân hàng giống lúa để lại tạo ra hàng trăm giống lúa tên MTL phục vụ SX cho nông dân trong vùng và đáp ứng công tác đào tạo sinh viên cũng như cung cấp nguồn gen cho các viện, trường lai tạo và nghiên cứu chuyên sâu khác. Qua đó cho thấy vì thiếu kinh phí nên chưa thể phát huy khai thác nguồn gen quý giá từ ngân hàng giống lúa để phục vụ SX, đào tạo và nghiên cứu khoa học tốt hơn.