|
Nhiều máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất do nông dân tự mày mò có tính ứng dụng cao. |
Không có bằng cấp, nhưng nhờ quyết tâm theo đuổi đam mê, anh Tạ Đình Huy (34 tuổi, thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đã tạo ra chiếc máy nông nghiệp 15 tính năng, giúp bà con giảm sức lao động trên cánh đồng và mang lại năng suất cao với các chức năng gồm: Cày, bừa, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, làm đất, phun thuốc trừ sâu, bơm nước, đào bùn cà phê, đào phân vi sinh, cấy lúa, di chuyển vật nặng trong vườn, đào hố trồng cây, phát điện, đào mương.
Được thiết kế bằng động cơ xe máy và diezen chuyên dụng nên thiết bị của anh Huy tiết kiệm nhiên liệu, dễ sửa chữa và thay thế phụ tùng khi hỏng hóc. Bên cạnh đó, động cơ thiết kế li hợp tự động, bất cứ ai cũng có thể vận hành dễ dàng. Chiếc máy này không chỉ được bà con nông dân trong nước tìm mua, mà còn xuất khẩu sang thị trường Lào.
Tận dụng động cơ xe máy cũ mua thanh lý, anh Nguyễn Văn Quang, nông dân kiêm nghề sửa chữa xe máy ở thôn Cò, xã Mỹ Thái (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã cải tiến thành công máy bơm nước. Máy bơm sau khi được cải tiến gọn nhẹ, dễ mang vác; tiêu hao nhiên liệu chỉ bằng 50% so với máy bơm nhập ngoại. Đến nay, anh Quang đã bán gần 400 chiếc máy bơm cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh.
Lão ngư Huỳnh Tiển ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã sáng chế ra chiếc máy lên luống. Do điều kiện địa phương, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất cằn lên luống để trồng các loại cây họ đậu, hành, ớt nên ông đã chế tạo, lắp thêm các bộ phận vào máy Honda cũ để trở thành máy lên luống. Khi sử dụng máy lên luống, với mỗi lít xăng có thể cày được hơn 3 sào đất trong 1,5 giờ, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Mỗi chiếc máy lên luống như vậy được ông Tiển bán với giá 9,5 triệu đồng, hiện đã bán được 6 chiếc.
Anh Nguyễn Trung Lập ở ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh sáng chế hệ thống tắm tự động cho bò bằng giàn ống nước và muỗng i-nox, chỉ cần bấm nút, hệ thống tắm tự động cho bò sẽ làm thay các lao động phổ thông. Trang trại nuôi bò sữa của gia đình anh có 25 con bò sữa nhưng chỉ có một mình anh chăm sóc, thay vì ba lao động như trước đây. Mọi khâu chăn nuôi đều được trang bị hệ thống máy móc tự động do chính tay anh Lập sáng chế, từ việc tắm cho bò, cho bò uống nước, dọn phân bò. Thậm chí, cỏ cho bò ăn cũng được máy cắt và máy tời đưa đến tận chuồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là cải tiến, lắp đặt máy đo nhịp tim vào máy vắt sữa bò. Tuy đơn giản, dễ sử dụng, nhưng việc cải tiến lắp máy đo nhịp tim vào máy vắt sữa bò mang lại hiệu quả cao. Máy có hai tác dụng, theo dõi được chất lượng sữa và giúp ổn định sức khỏe của bò sau khi vắt sữa. Anh là một trong 17 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong lễ tôn vinh Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nhà nông sáng tạo năm 2016.
Có thể thấy, sức sáng tạo, sự say mê tìm tòi các sáng kiến khoa học, kỹ thuật của nông dân rất đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, năng suất thấp để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, một trong những trở ngại hiện hữu mà những người nông dân này thường xuyên gặp phải đó là khó khăn trong quá trình viết, trình bày sản phẩm ra giấy, trong khi các cuộc thi sáng tạo KHKT hay thủ tục cấp bằng sáng chế đều cần phải có hồ sơ hoàn chỉnh, rõ ràng. Vậy nên, khi hồ sơ không được trình bày chi tiết, cụ thể và bài bản, những sáng kiến của người nông dân khó có thể được ghi nhận đúng mức.
Ngoài ra, người nông dân tạo ra các sản phẩm hoàn toàn bằng công sức, tiền của, phương tiện của mình với các loại thiết bị đơn giản, chủ yếu là tận dụng các thiết bị cũ, nguyên vật liệu tự chế, tái sử dụng, với kỹ thuật cơ khí thấp, do vậy máy móc được tạo ra còn thô sơ, thiếu đồng bộ nên rất khó để có thể sản xuất đại trà.
Những năm qua, Hội ND các cấp luôn tích cực vận động hội viên sáng tạo về khoa học - kỹ thuật phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương. Tại nhiều cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh, cấp Trung ương đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình say mê sáng chế. Tuy chưa được sử dụng đại trà nhưng những sáng kiến của họ đã góp phần cải tạo điều kiện sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Ngoài việc được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, các chính sách ra thì những người nông dân sáng tạo... phải thành lập các hội sáng chế, các CLB sáng chế tại các địa phương, từ xã đến tỉnh. Đó sẽ là sân chơi trí tuệ để họ học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong việc đưa những sản phẩm mới ra với thị trường tiêu dùng.