Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản
(TNNN) - Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo, 25 - 30% với chăn nuôi, rau củ quả.
|
Ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị nông sản |
Vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản “được mùa - mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào cảnh lao đao.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch là vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế triển khai cần có môi trường thông thoáng, nhất là một thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN) hoạt động hiệu quả để phát huy những kết quả của các công trình nghiên cứu, góp phần nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.
Công nghệ sau thu hoạch được xem là sự phát triển ở mức độ cao hơn trong các hoạt động sau thu hoạch. Nhằm giảm thiểu mức độ tổn thất đến chất lượng sản phẩm (sự hư hỏng thông thường, các biến đổi sinh lý), tạo ra các điều kiện không thuận lợi (hóa học, vật lý môi trường). Tổn thất sau thu hoạch đối với các hạt lương thực ở các nước đang phát triển lên đến 20-30%. Một vụ mùa thành công được đắng giá theo sự nỗ lực tăng năng suất, thực hiện thành công việc giảm thiểu thiệt hại sau thu hoạch.
Phát triển và hoạt động sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi hợp thành một thể thống nhất, kết hợp các ngành kỹ thuật để nâng cao năng suất và cho chất lượng tốt nhất. Để đạt được mục đích chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch cần phải trang bị tốt những kiến thức về khoa học sản phẩm, khoa học đảm bảo vụ mùa, khoa học xã hội, khoa học liên đới.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, vì vậy, bảo quản sau thu hoạch là một vấn đề khó đối với người nông dân. Những người sản xuất rất khó có thể áp dụng KH và CN tiên tiến để bảo quản nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt vì việc này đòi hỏi phải đầu tư lớn, trong khi khả năng của người nông dân còn có hạn.
Mặc dù, Bộ KHCN đã có các chương trình nghiên cứu ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sau thu hoạch, tuy nhiên, do kinh phí đầu tư cho nghiên cứu có hạn, nên kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất.
Bên cạnh đó, nước ta còn ít các vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn để việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch được thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà đầu tư phát triển vì tính rủi ro cao, đầu tư lớn mà lâu thu hồi vốn. Hiện các nhà khoa học đang phải “tự bơi” để tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà”, còn nông dân thì hạn chế thông tin và ít kinh phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Mặt khác, cần phải sớm hình thành thị trường KH và CN, đẩy mạnh công tác định giá công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sau thu hoạch, cùng với đó là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo dựng các vùng chuyên canh để có đủ nguyên liệu cho chế biến sau thu hoạch.
Thêm vào đó, việc xây dựng một môi trường hoạt động hiệu quả cho thị trường KH và CN là thực sự cần thiết. Nhà nước, cơ quan quản lý cần có những cơ chế chính sách rõ ràng để vận hành môi trường này vì hiện nay, các nhà khoa học đang phải “tự bơi” để tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà”, còn nông dân thì hạn chế thông tin và ít kinh phí.
Vì vậy, cần phải có một môi trường bao gồm các chương trình truyền thông, hướng dẫn thủ tục hành chính và tài chính, cách tiếp cận nguồn vốn... cho các đối tượng như nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước cùng tham gia. Nếu có nhiều cổng thông tin để trao đổi rộng rãi, các doanh nghiệp và nhà khoa học sẽ xây dựng được niềm tin để đến với nhau nhanh chóng. Nhà quản lý cũng cần nhìn nhận tổng thể và thấu đáo để không “bỏ sót” ai trong cuộc chơi này.