Ngày 6.2, tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu "chậm nhất tới năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỷ USD. Ngành tôm phấn đấu đặt 10% GDP cả nước'.
"Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến, liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới" - Thủ tướng nói.
|
Bác sỹ tôm Lê Anh Xuân (phải) giới thiệu về quy trình nuôi tôm theo công nghệ sinh học. Ảnh: Trúc Anh |
Vấn đề đặt ra là để đạt được con số mục tiêu này, các cấp ngành, doanh nghiệp, người nuôi phải nâng cao được năng suất, sản lượng và giá trị con tôm Việt mà không lạm dụng kháng sinh.
Sáng ngày 11.3 (tức thứ Bảy), Báo Nông Thôn Ngày Nay - Báo điện tử Dân Việt tổ chức Giao lưu trực tuyến “Ngành tôm, 10 tỷ USD và nút thắt cần gỡ”, bạn đọc của báo điện tử Dân Việt - Báo Nông Thôn Ngày Nay có dịp được giao lưu với những nhà khoa học, CEO hàng đầu trong ngành thủy sản. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về địa chỉ thư: Tructuyendanviet@gmail.com hoặc Thoisu@danviet.vn.
|
Được bà con vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đặt cho danh hiệu "Bác sỹ Tôm", Thạc sỹ, Nghiên cứu sinh Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh khẳng định, mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu cho ngành tôm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra hoàn toàn có thể đạt được nếu như có sự liên kết chặt giữa nhà quản lý (bộ, ngành, cục, vụ, viện, trường) với doanh nghiệp và nông dân... để đưa năng suất, sản lượng và giá trị con tôm của người nuôi được nâng lên.
Bác sỹ tôm Lê Anh Xuân cho hay: Chúng tôi đã áp dụng thành công Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, ít thay nước, ứng dụng công nghệ Trúc Anh ở nhiều tỉnh thành hơn 10 năm nay đúc rút thực tiễn, nhiều người nuôi áp dụng trong những năm qua giúp nâng số vụ nuôi từ 1-2 vụ/năm lên tới 4-5 vụ/năm. Sản lượng tôm thu hoạch từ 20-40 tấn/ha/năm được nâng lên 120 tấn/ha/năm.
Theo ông Xuân, giai đoạn 1, tôm được ương trong nhà lưới từ 20-25 ngày với mật độ khoảng 1.000-3.000con/m2. Sau thời gian ương, tôm được tiến hành chuyển qua ao nuôi ngoài trời thông qua hệ thống ống xả (giai đoạn 2).
|
Nuôi tôm theo công nghệ sinh học cho độ an toàn và lợi nhuận cao. Ảnh: Trúc Anh |
"Nuôi tôm sạch ứng dụng công nghệ Trúc Anh với 2 giai đoạn có những ưu điểm nổi bật. Đầu tiên đó là đạt 4A: An toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hoá chất mà chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học; An toàn môi trường do không xả thải ra bên ngoài; An toàn dịch bệnh do khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; An sinh xã hội do giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng nên người nuôi tôm luôn luôn có lợi nhuận" - ông Lê Anh Xuân cho hay.
Ông Xuân nói: Lợi ích trông thấy rõ là chi phí giảm tới 20% so với nuôi truyền thống. Giá tôm bán được cao hơn so với các loại khác trên thị trường, hệ số chuyển đổi thức ăn khoảng 0.85-1 so với nuôi thông thường từ 1.2-1.6, mật độ nuôi tôm đạt 200-300con/m2; Chi phí cho 1kg tôm thành phẩm (loại 50con/kg) chỉ khoảng 60-65.000 đồng; Năng suất tôm thu hoạch đạt tới 120 tấn/ha/năm.
"Công nghệ Biofloc được coi là công nghệ sinh học theo hướng mới, là giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi thủy sản quy mô công nghiệp. Chúng tôi sử dụng các chế phẩm uy tín do chính đơn vị nghiên cứu, sản xuất, được người tiêu dùng lựa chọn qua nhiều năm để đảm bảo duy trì tốt các yếu tố trong ao nuôi. Nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn theo hướng sinh học kết hợp công nghệ Biofloc của Trúc Anh thành công, cho thấy đây là mô hình góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới, mở ra hướng đi mới phát triển hiệu quả và bền vững cho ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng; đồng thời, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người nuôi tôm, các nhà khoa học và ngành chức năng" - ông Lê Anh Xuân nói.