Canh tác lúa mới theo hướng an toàn
11:00 - 26/02/2017
(TNNN)- Trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, cây lúa phải trở thành cây trồng hàng hoá với giá trị cao hơn so với hiện tại, quy hoạch phát triển theo từng vùng tập trung, sản xuất những giống lúa chất lượng cao, gạo ngon để bán ra thị trường. Vì vậy, việc áp dụng các mô hình canh tác lúa mới được xem như bước đi đầu tiên để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao.
Mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” có tính ứng dụng cao (Ảnh minh họa).


Tại Vĩnh Long, mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” có tính ứng dụng cao. 3 giảm trong sản xuất lúa là: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm (5 giảm thì thêm: Giảm lượng nước tưới trên ruộng, giảm thất thoát trước và sau thu hoạch), 3 tăng là: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.
 
 
Vụ Hè Thu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long phối hợp với Trạm Khuyến nông Vũng Liêm và Trạm Khuyến nông Trà Ôn triển khai mô hình này tại xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm và xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn với qui mô 80 ha do 156 nông dân thực hiện. Sau 5 tháng thực hiện mô hình, nhìn chung trà lúa đạt chất lượng (cứng cây, ít đổ ngã, lúa sáng đẹp), tiết kiệm lượng giống đáng kể 80 – 120 kg/ha.
 
 
Sau khi thu hoạch, lúa trong mô hình đạt năng suất bình quân 7,5 tấn/ha (lúa cấy) và 7 tấn/ha (sạ hàng), vượt so với mục tiêu dự án; cao hơn 10-15% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trong mô hình (lúa cấy) cao hơn ngoài mô hình 6.914.000 đồng/ha.
 
 
Phòng Nông nghiệp và PTNT 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và chính quyền địa phương đánh giá mô hình đem lại hiệu quả cả 3 mặt về: kinh tế, khoa học và môi trường.
 
 
Tại Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ vụ Đông Xuân tại các xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong), Hải Tân (huyện Hải Lăng), Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh) và Gio Quang (huyện Gio Linh) với diện tích 19,5 ha, có 91 hộ tham gia. Tại các ruộng mô hình được sử dụng giống lúa mới chất lượng DT39 có nguồn gốc và phẩm cấp tốt, có tỷ lệ nảy mầm cao và đều áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm. Phương pháp gieo bằng công cụ sạ hàng, nên ruộng lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ, cứng cây đanh rảnh. Mô hình không sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc từ hóa học mà sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học ít độc hại với con người và môi trường.
 
 
Kết quả, lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ruộng lúa sử dụng phân bón Quế lâm có bổ sung NPK từ 3-4 triệu đồng/ha và cao hơn ruộng sản xuất đại trà chỉ bón phân hóa học là từ 4-5 triệu đồng/ha. Đặc biệt là tạo ra nguồn sản phẩm hữu cơ an toàn cho con người và môi trường, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
 
 
Tại Bắc Kạn, vụ mùa năm 2016 ngành Nông nghiệp đã triển khai mô hình canh tác lúa SRI trên diện tích gần 500ha ở địa bàn 16 xã của 5 huyện. SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới.
 
 
Kết quả cho thấy việc áp dụng biện pháp canh tác SRI giúp cho năng suất đạt khá cao, trung bình 54-55 tạ/ha, cá biệt có những cánh đồng năng suất đạt tới 65-67tạ/ha, trong khi năng suất trung bình của lúa canh tác theo phương pháp truyền thống vụ mùa chỉ đạt 45-48tạ/ha. Bà con tham gia mô hình rất phấn khởi.
 
 
Tại xã Đông Viên (Chợ Đồn), mô hình SRI thực hiện tại 6 khu đồng thuộc 10 thôn của xã Đông Viên với 202 hộ tham gia, sử dụng giống lúa Bao thai, tổng diện tích trên 33ha. Bà con đã hạch toán toàn bộ để so sánh giữa áp dụng SRI với cách làm truyền thống theo tập quán. Theo đó, áp dụng kỹ thuật SRI giúp giảm chi phí thóc giống 46.000 đồng/1.000m2 (tương ứng với 0,46 triệu đồng/ha), năng suất cấy theo SRI tăng trung bình 73kg/1.000m2 so với cấy theo tập quán, từ đó giúp người nông dân tăng thu nhập khoảng 486.500 đồng/1.000m2 (tương ứng với 4,86 triệu đồng/ha). Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật SRI còn giúp giảm công chăm sóc mạ, công nhổ mạ...
 
 
Như vậy, vụ mùa 2016 với 33,8ha áp dụng kỹ thuật SRI đã giúp bà con tiết kiệm được 15,5 triệu đồng tiền thóc giống và thu nhập tăng khoảng 164 triệu đồng. Nếu 100% diện tích lúa mùa của xã Đông Viên (171ha) áp dụng theo kỹ thuật SRI thì mỗi vụ thu nhập tăng khoảng 831 triệu đồng, đây là một khoản tăng thu nhập đáng kể cho người trồng lúa, xoá bỏ quan điểm trồng lúa không lãi hoặc lãi rất thấp như trước đây.
 
 
Mô hình trồng lúa sạch nói không với thuốc BVTV của anh Võ Văn Tiếng ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là một hướng đi mới đầy triển vọng. Anh xây dựng một bờ bao cao hơn 1m, chân đất dài 2m để ngập nước và sản xuất giống lúa Nàng Hoa 9. Vụ đầu tiên anh Tiếng sử dụng 1/2 lượng phân hóa học cộng 1/2 phân vi sinh học và không sử dụng thuốc BVTV. Sau khi thấy được hiệu quả SX lúa sạch, các vụ sau anh hoàn toàn không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân sinh học rồi tiến đến SX lúa VietGAP.
 
 
Tại Ninh Bình, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường. Mô hình được triển khai tại 2 HTX Đồng Xuân Tiến (xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh) và HTX Đông Thôn (xã Yên Thái, huyện Yên Mô) với diện tích 40 ha/2 vụ.
 
 
Bà con cho biết: “Nếu như mọi năm, 1 mẫu ruộng phải đầu tư từ 8-9 triệu đồng để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Riêng vụ mùa năm 2016 này, nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác vào chăm sóc nên chi phí giảm từ 30- 40% so với sản xuất như trước đây. Hay nhất là giảm được việc phun thuốc, bớt ảnh hưởng đến sức khỏe, gạo ăn cũng yên tâm hơn”.
 
 
Theo thống kê, đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, so sánh giữa ruộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và ruộng cấy truyền thống thì ruộng mô hình đẻ nhánh tập trung và kết thúc đẻ nhánh sớm hơn so với ruộng cấy truyền thống, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng cấy truyền thống là 6,5%. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh hại ở ruộng mô hình cũng thấp hơn. Về hiệu quả kinh tế, ở ruộng mô hình chi phí giống, thuốc BVTV thấp hơn trong khi năng suất lại cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng cấy truyền thống gần 7 triệu đồng/ha.
 
 
Mặt khác, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP giúp kiểm soát tốt các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV. Đồng thời đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, giúp cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất các nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh lúa.
 
 
Tùy điều kiện tại các địa phương, việc áp dụng các mô hình này sẽ giúp người nông dân Việt Nam được “tiếp sức” trong canh tác, sản xuất lúa nhờ tiết kiệm nước, tăng năng suất, giảm chi phí công chăm sóc, qua đó tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đưa nền nông nghiệp nước ta phát triển bền vững.
 

Quế Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo