|
Củ có màu vàng đều, đẹp, chất lượng cao nên bà con có thể chọn để giống cho vụ sau |
1. Chọn giống: Thông thường trồng bằng củ giống to sẽ có năng suất cao hơn so với củ nhỏ, trong trường hợp giống to, cỡ đường kính củ trên 45mm tương đường với trên 50 gam thì có thể bổ đôi hoặc bổ làm 3 để tiết kiệm giống. Khoai tây giống sau khi bổ phải để nơi thoáng mát, rải đều, phủ tải ẩm lên trên để giữ ẩm, tránh để đống quá cao dễ bị thối.
Dùng dao sắc và lưỡi mỏng để cắt, mỗi lần cắt phải nhúng vào cồn 96% hoặc xà phòng đậm đặc để ngăn chặn sự xâm nhập của nấm, làm cho củ bị thối.
Bổ dọc củ, mỗi miếng khoai bổ phải có 2-3 mầm, bổ xong chấm vết cắt ngay vào xi măng khô và gạt phần xi măng thừa đi không nên để xi măng bán nhiều vào mặt cắt của củ vì sẽ hút nước của làm củ dễ bị héo. Nếu đất trồng đủ độ ẩm và phân chuồng hoai thì sau bổ 12 h là có thể trồng, nếu đất ướt quá hoặc quá khô thì có thể kéo dài 5-7 ngày mới trồng.
2. Thời vụ:Vùng đồng bằng bắc bộ có các vụ:Vụ đông xuân sớm: Thường ở vùng trung du, trồng vào đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 12. Vụ chính: Ở khắp trong vùng, trồng cuối tháng 10, đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1, đầu tháng 2.
Vụ xuân: Thường ở đồng bằng sông Hồng, trống tháng 12, thu hoạch đầu tháng 3.
Vùng núi miền Bắc: Vùng núi thấp dưới 1000m: Vụ Đông trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ xuân trồng tháng 12, thu hoạch cuối tháng 3.
Vùng núi cao trên 1000m: Vụ Thu Đông trồng đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ xuân trồng tháng 2, thu hoạch tháng 5.
Vùng bắc trung bộ: Có 1 vụ trồng là vụ Đông trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1.
3. Làm đất: Chọn đất trồng khoai tây trên đất cấy 2 vụ lúa, nên chọn nơi đất bằng phẳng, vàn, vàn cao. Chọn loại đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù xa, thuận tiện tưới tiêu, thoát nước.
Phải quan tâm đến độ ẩm của đất từ đầu để khi trồng sau 2 tuần khoai sẽ mọc, hạn chế sâu, bệnh ở giai đoạn mọc. Cày bừa làm nhỏ đất kết hợp thu gom rơm rác và gốc dạ để hạn chế sâu bệnh truyền sang khoai. Đất nhỏ tơi thích hợp cho khoai, đất cục quá to làm cho củ phát triển méo mó, đất quá mịn cũng không tốt.
Lên luống: Đất sau khi gặt lúa xong, cắt dạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống. Luống đơn trồng bằng 1 hàng, luống rộng 60-70cm. Luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng 120-140cm.
Rãnh rộng: 20-40 cm, sâu 15-20cm. Việc làm rãnh nhằm mục đích thoát nước, tránh không để úng nước làm thối củ giống và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển sâu bệnh sau này của cây.
4. Mật độ và cách trồng:
Mật độ: Với củ nhỏ: Cứ 1m2 trồng 10 củ, cách nhau 17-20cm
Với củ bình thường: 1m2 trồng 5-6 củ, cách nhau 25-30 cm.
Lượng giống: Trung bình 30-40kg/ sào.
Cách trồng: Để khoai tây có năng suất cao, chất lương tốt củ khoai không bị xanh do nằm trên mặt đất thì khâu che phủ bằng rơm rạ như sau: rạch hàng, rải rơm rạ cắt ngắn hoặc bón lót phân chuồng, đạm và lân xuống đáy rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân, rồi đặt củ giống theo khoảng cách như trên, đặt mầm nằm ngang, lấp đất phủ lên củ dầy 3-5 cm rồi vét rãnh lên luống. Nếu đất khô thì phải tưới nước trước khi bón phân để cây mọc nhanh.
Lưu ý khi mang khoai về nếu mầm hơi nhí là có thể trồng ngay được không cần mầm mọc dài mới đem đi trồng. Tuyệt đối khi mang khoai giống về không được tưới nước lên khoai, muốn mầm mọc nhanh cho khoai vào thúng phủ tải hoặc rơm rạ hơi ẩm lên trên để nơi khô ráo, thoáng mát tránh độ ẩm cao khoai dễ bị thối. Khi trồng không để rơm rạ bị quá ẩm hoặc đất quá khô. Khi đặt củ tránh đặt trực tiếp vào phân, nhất là phân hóa học vì như vậy củ bị chết xót vì phần.
5. Chuẩn bị vật tư, phân bón và cách bón: Cho 1 sào (360m2): Chuẩn bị rơm, rạ mục (thu gom rơm rạ sau khi thu hoạch, trộn vôi bột 10-15kg/ sào rơm rạ, sau đó chất thành đống đảm bảo đủ ẩm để rơm rạ nhanh mục, hoặc có thể xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Fitobiomix, sau 30 ngày thành phân hữu cơ bón tốt cho khoai tây, số lượng rơm rạ 3-4 sào rơm rạ/ 1 sào khoai tây. Nên trồng phân rác, mùn, phân hoai mục.
Lượng phân:Phân chuồng loại mục: 1ha là 15-20 tấn, 1 sào là 6-7 tạ.
Đạm urê: 1 ha là 250-300kg, 1 sào là 9-10kg
Lân supe: 1 ha là 350-400kg, 1 sào là 12-15 kg
Kali sunphat: 1 ha là 200-250 kg, 1 sào là 10-12kg
Cách bón: Bón lót: Rải toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm + 2/3 kali lên trên mặt luống giữa hai hàng khoai.
Bón thúc lần 1: Sau khi cây mọc cao 15-20cm: 1/3 đạm, 1/3 kali.
Bón thúc lần 2: Sau thúc lần 1: 15-20 ngày: 1/3 đạm, 1/2 kali.
Chú ý: Bón lót nhiều kali sẽ cho củ to, mẫu mã đẹp. Không bón phân chuồng tươi vì có nhiều vi khuẩn nấm bệnh làm cho mã củ không đẹp, và khoai dễ bị thối. Chỉ dùng phân chuồng hoai mục.
6. Tưới nước: Là một trong những yếu tố quyết định năng suất, và chất lượng khoai. Trong 60-70 ngày đầu khoai rất cần nước, thiếu nước năng suất khoai giảm, ruộng khoai lúc khô, lúc ầm làm cho củ bị nứt, giảm chất lượng củ.
Tưới rãnh: dẫn nước hoặc tát vào rãnh để thấm nước vào luống khoai. Từ khi trông đến khi khoai 60-70 ngày thường có 3 lần tưới nước, tưới đủ ẩm không để đọng nước trong ruộng khoai. Tưới phải kết hợp với xới xáo, làm cỏ, bón phân thúc.
Tưới lần 1: khi khoai mọc cao khoảng 20-25 cm, đất khô thì tưới nước, đất cát pha cho ngập ½ luống, mỗi lần chỉ cho vào 3-4 rãnh, khi đủ nước thì cho tiếp vào 3-4 rãnh khác, lấp đầy rãnh củ, tháo đầu rãnh mới để nước thêm đều vào luống; với đất thịt nhẹ cho ngập 1/3 luống, cho nước vào cùng 1 lúc nhiều rãnh hơn.
Tưới lần 2: khoảng 2-3 tuần sau lần 1, đất cát pha cho nước ngập 2/3 luống, đất thịt nhẹ cho ngập ½ luống làm như lần 1.
Tưới lần 3: khi đất khô, khoảng 2-3 tuần sau lần 2, làm như lần 2.
Tưới gánh: Không tưới nước trực tiếp vào gốc khoai mà tưới xung quanh gốc. khi kết hợp tưới với phân đạm và kali phải chú ý lượng phân hòa với nước,thùng 10-12 lít chỉ pha 1 nắm nhỏ là vừa. Không kết hợp tưới nước với phân chuồng vì có nhiều nấm gây thối củ.
Chú ý trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần, không tưới nước, cần đất khô ráo, tuyệt đối tránh để nước vào ruộng nếu mưa phải tháo kiệt nước kịp thời.
7. Chăm sóc:
Chăm sóc đợt 1: Khi cây mọc lên khỏi mặt đất 7-10 ngày, cao khoảng 15-20 cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón thúc đợt 1 rồi vun luống, khi bón thúc thì bón vào mép luống hoặc giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây làm cây chết. Kết hợp tỉa cây để lại 2-3 mầm chính.
Chăm sóc đợt 2: Cách đợt 1 từ 15-20 ngày khi đã qua tưới nước lần 2 thì tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối, lấy đất ở rãnh vun cho luống to và cao, dày cố định luôn, vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây. Vét đất ở rãnh để khi ruộng bị nước sẽ nhanh khô.
Phòng trừ sâu bệnh: Tùy theo từng loại sâu, bệnh mà ta sử dụng các loai thuốc khác nhau.
Bệnh virus xoăn lùn, virus cuốn lá: Dùng củ giống sạch bệnh, phun thuốc trừ rệp, nhổ bỏ cây bệnh và tiêu hủy tàn dư khi nhô cây bệnh không để tay tiếp xúc với cây khỏe.
Bệnh héo xanh: Không trồng khoai tây trên ruộng lúa vụ trước trồng các cây họ cà, không bón phân chuồng tươi, tránh dùng nước tưới nhiễm khuẩn.
Bênh mốc sương( Sương mai): Nên phun định kỳ 10-15 ngày/lần sau trồng 45 ngày thuốc chống sương mai bằng thuốc nội hấp như: Ridomil MZ, Score 250 ND, Alpine. Nếu có vết bệnh điển hình lần phun đầu tiên phải cộng với thuốc tiếp xúc như Zineb, mancozeb…
Rệp: Xuất hiện sau trồng 30-60 ngày, có thể dung thuốc Pegasus 500 EC hoặc Trebon 10 EC để phun.
8. Thu hoạch và bảo quản: Thu hoạch sớm hơn 5-7 ngày, khi thấy lá vàng, cây rạc dần là có thể thu hoạch được, sau khi khoai được 60-70 ngày tuyệt đối không cho nước vào ruộng khoai, nếu mưa thì phải tháo kiệt nước, không cắt lá cho lơn hoặc trâu bò ăn, thu hoạch vào ngày khô ráo, trước khi thu hoạch 10 ngày nên cắt cách gốc 15-20 cm, củ sẽ không bị xây xát mà mã củ đẹp, khi thu hoạch nên phân loại ngay tại đồng ruộng, củ to và nhỏ riêng rẽ, để nhẹ nhàng cho vào sọt.
Bảo quản: Có thể cho vào kho lạnh hoặc để tán xạ kho bảo ôn.