Hãy làm sống lại các phòng nuôi cấy mô!
10:05 - 10/02/2017
Ngay từ khi đất nước còn chiến tranh, chúng ta đã nghĩ tới ngày hòa bình được lập lại. Đảng và Chính phủ đã gửi ra nước ngoài nhiều nhà khoa học trẻ để học tập và chuẩn bị cho công cuộc xây dựng lại đất nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Uyển lúc đó là một kỹ sư trẻ của Ban Trồng trọt thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Năm 1967, ông được cử sang Viện Hàn lâm khoa học Hunggary để học tập. Đề tài của ông là “Nghiên cứu hệ thống enzyme nuclease ở thực vật bậc cao”. 

Ông đã hoàn thành xuất sắc đề tài đó. Nhưng cũng thời gian này ông còn đi vào nghiên cứu một vấn đề thời sự nóng bỏng khác trong sinh học, đó là việc nuôi cấy mô thực vật.

nh-nuoi-cy-tb-thuc-vt124106321
Nhà nuôi cấy mô tế bào thực vật

 

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghiên cứu về nuôi cấy mô của thế giới đã có những chuyển biến tích cực do phát hiện ra tính toàn năng của tế bào thực vật. Các kỹ thuật nuôi tế bào đơn, tế bào trần và tái tạo mô sẹo đã được xác định. Triển vọng hình thành một cây hoàn chỉnh từ callus đã được báo trước.

Đặc biệt, việc phát hiện ra các tế bào ở đỉnh sinh trưởng hầu như không chứa các virus gây bệnh có trong cây đã mở ra triển vọng tạo ra những dòng sạch bệnh. GS Nozeran (Pháp) lại tìm ra việc có khả năng trẻ hóa cho cây khi được cấy truyền nhiều lần các tế bào ở đỉnh sinh trưởng (lấy ở chồi nách của cây nho và cây khoai tây). Tất cả những kết quả đó đặt niềm tin cho các nhà khoa học về khả năng sản xuất ra được các giống cây sạch bệnh và được phục tráng dần dần.

Biết được người học trò của mình say sưa với các kỹ thuật mới đó, GS Farkas – thầy hướng dẫn của TS Uyển đã cung cấp cho ông nhiều tài liệu và hóa chất trước khi ông lên đường về nước để theo đuổi ước mơ nuôi cấy mô.

Năm 1971, TS Uyển về lại Việt Nam. Ông được phân về Phòng Sinh lý thực vật thuộc Viện Nghiên cứu khoa học tự nhiên. Ông bắt tay ngay vào công việc. Tôi còn nhớ, nơi ông tiến hành thí nghiệm chỉ là một diện tích hẹp dọc hành lang của cơ quan. Tuy vậy, ông hết sức say sưa và miệt mài nghiên cứu. Chỉ sau 3 tháng, ông đã thành công trong việc hình thành từ các mô sẹo lên 1 cây lúa hoàn chỉnh. Đó là kết quả đầu tiên về nuôi cấy mô ở Việt Nam…

Năm 1975, ngay sau kết thúc chiến tranh, TS Nguyễn Văn Uyển được cử vào làm Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Phân viện Khoa học kỹ thuật miền Nam. Cùng với hàng loạt đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực của sinh học, PGS.TS Nguyễn Văn Uyển vẫn tăng cường các nghiên cứu về nuôi cấy mô thực vật.

Ngày 17/7/1977, Trạm Nghiên cứu nuôi cấy mô thực vật tại Đà Lạt đã được thành lập do PGS.TS Nguyễn Văn Uyển phụ trách. Đó là cơ sở đầu tiên về nuôi cấy mô ở Việt Nam. Cũng chính từ đây, hàng loạt đối tượng cây trồng đã được nhân lên bằng phương pháp nuôi cấy mô. Riêng với khoai tây – sản phẩm chủ lực của Đà Lạt đã được nhân bầu nhỏ 100% bằng nuôi cấy mô để cung cấp cây giống cho sản xuất của toàn vùng.

Năm tháng qua đi, vượt qua biết bao trở ngại, đề tài nuôi cấy mô thực vật của PGS Nguyễn Văn Uyển và cộng sự đã được khẳng định chắc chắn hiệu quả tại Việt Nam.

Trong những năm 90, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thấy rõ được hiệu quả của phương pháp nuôi cấy mô nên đã trang bị cho hầu hết các sở KH-CN của các tỉnh những phòng thí nghiệm nuôi cấy mô. Ngoài ra, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trạm, trại cũng được trang bị phòng nuôi cấy mô. Nhiều dự án quốc tế cũng giúp ta các phòng nuôi cấy mô. Có thể nói, tỉnh nào cũng được trang bị phòng nuôi cấy mô. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi: “Phòng nuôi cấy mô nào đạt được hiệu quả kinh tế cao” thì… ít lắm!

img-0370124257682
Sinh viên Khoa Sinh - Môi trường, ĐH Đà Nẵng thảo luận kết quả nghiên cứu tại phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật

 

Trong lúc đó, nông dân Đà Lạt đang thi nhau xây dựng các phòng nuôi cấy mô cho gia đình. Họ cho con đi học đại học và chuyên sâu về sinh học. Sau đó, đưa các cháu về nhà để mở cơ sở nuôi cấy mô cho gia đình. Mọi trang thiết bị, hóa chất, vật tư… họ đều phải tự bỏ tiền ra mua. Các thí nghiệm thăm dò cho từng đối tượng họ cũng phải tự mầy mò. Thế mà họ lại làm được, làm thành công, làm ra tiền! Họ có lấy 1 đồng xu nào của Nhà nước đâu!

Trong lúc đó ở các đơn vị nhà nước, anh em ta còn quá bao cấp. Lúc nào cũng ngồi chờ kinh phí của Nhà nước. Không có tiền là không làm! Nhưng nếu có làm thì cũng không chịu hạch toán kinh tế. Tại sao đã được trang bị đầy đủ như vậy mà lại không làm ra tiền?! Yêu cầu về cây giống đạt chất lượng cao là rất lớn. Rất nhiều loài cây cần được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô…

Đã đến lúc chúng ta cần làm sống lại các phòng nuôi cấy mô do kinh phí của Nhà nước bỏ ra. Phải kiện toàn mọi khâu và nhanh chóng vận hành lại các cơ sở đó.

Tôi đi thăm Trung Quốc, bạn cho biết 100% cây chuối giống của bạn đều được nhân bằng nuôi cấy mô. Chuối nhân rất dễ, các phòng nuôi cấy mô của ta đều có thể làm được. Nhưng từ lúc làm được đến lúc làm thật lại là cả một khoảng cách rất dài. Bộ KH-CN và các bộ ngành khác có giải pháp nào không? Bao giờ ta mới rút ngắn được khoảng cách nay để nuôi cấy mô thực sự đi vào được với sản xuất nông nghiệp?

Tôi vào thăm PGS Nguyễn Văn Uyển tại TP.HCM. Ở cái tuổi 80 và đã vượt qua 3 cơn đột quỵ, ông đi lại và nói năng rất khó khăn nhưng ánh mắt và nụ cười vẫn luôn hướng về các thành tựu của công nghệ sinh học. Ông say sưa nghe chúng tôi báo cáo những thành tích của các đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này. Ông nắm chặt tay tôi, ánh mắt rực sáng với nụ cười rạng rỡ. Ông thều thào vào tai tôi: “Việt Nam phải đi lên bằng công nghệ sinh học!”.

 

NGUYỄN LÂN HÙNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo