Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao
12:59 - 23/01/2017
(TNNN) - Với công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường, một héc ta nuôi tôm công nghệ cao có thể cho năng suất 120 - 240 tấn/năm, gấp 60 - 80 lần nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường. Chính nhờ hiệu quả mang lại mà mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được khuyến khích nhân rộng, thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Nuôi tôm theo mô hình công nghệ mới cho năng suất cao hơn so với thâm canh truyền thống

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt - Úc triển khai đầu tiên tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu với quy mô 50 ha, được chia làm 414 ao nuôi, mỗi ao rộng 500 m2, mật độ thả giống từ 200 - 500 con/m2, có thể nuôi 3 vụ/năm, tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng.

 
   
Trong giai đoạn 1, từ ngày 25.3 đến ngày 25.4, tập đoàn này đã thả tôm giống trên 70 ao nuôi (3,5 ha). Đặc biệt, do nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao nên kết quả sau 78 - 108 ngày, năng suất của các ao nuôi đạt từ 2 - 4 tấn/ao, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ (khoảng 120 - 240 tấn/ha/năm). Với năng suất trên, 1 ha nuôi tôm siêu thâm canh có thể bằng hàng chục héc ta nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường (năng suất thường chỉ đạt từ 2 - 3 tấn/ha).


Mô hình áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Isarel; công nghệ hệ thống lọc nước tuần hoàn của Đức và Mỹ; công nghệ sản xuất con giống tiên tiến của tập đoàn... Nhờ đó, giảm thiểu được rủi ro, cho nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn... Ngoài ra, do chỉ ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không ngại các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu.


Điểm nổi bật ở mô hình là kiểm soát tốt được nhiệt độ. Đây là khâu rất quan trọng trong nuôi tôm, bởi thông thường khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt ao nuôi sẽ thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến tôm. Ngoài ra, nuôi trong nhà kính sẽ hạn chế được các mầm bệnh lây từ bên ngoài; hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh...


Đây là mô hình đầu tiên đưa ra giải pháp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, đầu tư bài bản với quy trình nuôi khép kín từ con giống đến thu hoạch xuất khẩu, ít tác động đến môi trường và bước đầu cho thấy tính bền vững.


Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha cũng đang được một số hộ nông dân miền Đông Nam Bộ hào hứng triển khai. Tại 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), hiện đang có hơn chục hộ nông dân đã triển khai mô hình nuôi tôm này. Ông Nguyễn Trường Đại, ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, một hộ nuôi cho hay : “Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tôi có thể tăng lên 4-5 vụ/năm chứ không chỉ làm được 2 vụ như trước và chi phí đầu tư ban đầu lại không quá cao. Mặt khác, việc lót bạt ở đáy ao có thể cho phép thả tôm với mật độ đến 200 con/m2, gấp 4 lần so với ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng tăng gấp nhiều lần. Cụ thể, vụ thu hoạch vừa qua với diện tích ao khoảng 2 ngàn m2, tôi đã thu được trên 8 tấn tôm nên lợi nhuận đạt được cũng cao hơn hẳn”. Tính từ đầu năm đến giờ, 3 vụ tôm tôi thu lãi khoảng 1.5 tỷ đồng”.


Điểm đặc biệt nhất tại các ao nuôi tôm công nghệ cao là dưới đáy ao, ngoài việc lót bạt ra còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ con tôm và thức ăn dư thừa. Nhờ đó, nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan... Mặt khác, với công nghệ nuôi tôm công nghệ cao, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh.


Ông Nguyễn Trường Đại đánh giá : “Nhờ chuyển sang áp dụng cách phòng bệnh như vậy, nên con tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch hoàn toàn nên các doanh nghiệp rất thích mua”. Hiện trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã có 7 trại nuôi tôm áp dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 14 ha. Chi phí đầu tư là khoảng 100 triệu đối với 1 ha ao cải tạo và khoảng hơn 300 triệu đối với 1 ha ao đào mới. Bước đầu đánh giá cho thấy đây là mô hình đang mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nuôi theo hình thức này đã cho ra được sản phẩm tôm sạch có khả năng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Ông Đại cho biết, hiện tại, ông đã kí được hợp đồng liên kết nuôi và tiêu thụ tôm thẻ chân trắng với công ty cổ phần CP Việt Nam, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong tương lai.


Bà Nguyễn Thị Lê Hoa (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) – một nông dân đang nuôi theo mô hình này chia sẻ, gần chục năm qua, theo nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất, bà gặp thất bại nhiều hơn thành công vì rủi ro dịch bệnh. “Khi chuyển qua mô hình mới này, do luôn chủ động kiểm soát môi trường nuôi nên hạn chế được rất nhiều nguy cơ dịch bệnh cho con tôm” - bà Hoa khẳng định.


Có thể thấy, do nuôi tôm công nghệ cao và theo quy trình vi sinh, quản lý tốt dư lượng kháng sinh nên tôm thu hoạch gần như là tôm sạch. Theo đó, để ứng dụng công nghệ này, nông dân phải chọn con giống sạch, chất lượng; tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại; đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn có hại tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi phải vệ sinh hàng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi... Xác định đây là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao nên nhiều địa phương đang triển khai nhân rộng cho bà con.
 
Hoàng Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo