Năm 2018: 2 hội, 1 bộ phối hợp để triệt nạn bơm tạp chất vào tôm
16:19 - 27/12/2017
Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2018, Bộ sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để triệt nạn bơm tạp chất vào tôm.
Công an bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: H.V

Xử phạt 3,9 tỷ đồng hành vi bơm tạp chất vào tôm

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong năm 2017, Bộ đã đẩy mạnh triển khai Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất”.
 

Bộ NNPTNT đề nghị Hội ND giám sát, đảm bảo ATTP

Bộ NNPTNT đã có đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội ND, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng ATTP; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về quản lý chất lượng ATTP; Chương trình phối hợp số 526 của Chính phủ với Hội ND Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 – 2020.
 

Theo đó, các địa phương đã tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỉ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.  Đặc biệt, đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu).
 

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT, trong năm 2017, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh... Nhờ đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề bức xúc kéo dài nhiều năm như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
 

”Thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện trên tất cả các nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được cải thiện hơn. Ô nhiễm hóa chất trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm, tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng nhanh” - ông Việt cho biết.
 

Tuy nhiên, theo đánh giá, hạn chế lớn nhất trong công tác này hiện nay là lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp, đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
 

Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, ATTP... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 

“Nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ và Chính phủ nên hiệu quả thanh tra không cao” - ông Việt đánh giá thêm.
 

Chấm dứt bơm tạp chất vào tôm trong năm 2018

Trước thực trạng trên, Bộ NNPTNT đã đề ra kế hoạch, trong năm 2018 sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội ND, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Trong năm 2018, trọng tâm là sẽ thanh tra kiểm tra đột xuất, đặc biệt là chất cấm. Những chất cấm trọng tâm là gì, chúng ta kiểm lại”.
 

Đặc biệt, theo ông Tiệp, mục tiêu là trong năm 2018 sẽ phải chấm dứt việc tiêm chích tạp chất vào tôm. “Vậy có chấm dứt được không? làm như thế nào để chấm dứt? Để thực hiện được điều này, chắc chắn chúng ta sẽ phải phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội ND, Hội Phụ nữ để cùng hướng dẫn ký cam kết với các hộ dân về việc không sử dụng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu”.
 

Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Năm vừa qua, Tổng cục Thuỷ sản đã tổ chức nhiều lớp học hướng dẫn sản xuất thuỷ sản theo VietGAP, tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình sản xuất tốt, đặc biệt là tôm và cá tra”.
 

“Tổng cục Thủy sản cũng hướng dẫn các địa phương tổ chức công tác đào tạo, tập huấn lấy mẫu thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với Thanh tra Bộ NNPTNT và công an, kiểm tra tôm giống, truy xuất 17 cơ sở vi phạm từ Bạc Liêu về bơm chích tạp chất vào tôm, đưa tên những cơ sở này lên các phương tiện thông tin đại chúng”.

 

 

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo