Cần khai thác hiệu quả hơn thị trường nông thôn
16:57 - 08/12/2017
Khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chưa khai thác hết- đó là nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam trong báo cáo về tình hình tăng trưởng ngành hàng FMCG của nước ta trong quý 3/2017. 
Thị trường nông thôn còn nhiều tiềm năng cho các DN ngành hàng FMCG


Thị trường nông thôn còn nhiều tiềm năng

Theo Nielsen, tăng trưởng toàn quốc của ngành hàng FMCG trong quý 3/2017 cho thấy sự chuyển biến tích cực – đạt 6,4% (so với mức tăng 2,9% cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5,8%). Trong đó, ngành hàng đồ uống tiếp tục là ngôi sao sáng với mức tăng trưởng ấn tượng 8,5%. Thuốc lá cũng cho thấy dấu hiệu tích cực trong quý này với mức tăng 5,9%.

Đáng chú ý, thị trường nông thôn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng với các doanh nghiệp. Tăng trưởng trong quý này của khu vực nông thôn đạt 7,6% (với 7,4% đến từ tăng trưởng sản lượng) và tiếp tục đóng góp 54% trong tổng doanh số của ngành hàng FMCG toàn quốc. Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG tại khu vực thành thị chỉ đạt 4,7% trong quý này.

Theo Nielsen, khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết bởi người dân khu vực này đang ngày càng có thu nhập cao hơn, quen thuộc hơn với các cách thức mua bán hiện đại như mua bán qua mạng. Thời gian tới, cộng đồng người tiêu dùng khu vực nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, nên việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất cũng như cách thức họ mua sắm như thế nào sẽ điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai.

Nắm bắt cơ hội

Dự báo, ngành FMCG sẽ còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2017 bởi nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực trong những tháng còn lại của năm 2017 nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước được cải thiện; sản xuất nông nghiệp hồi phục; xuất khẩu, FDI và bán lẻ tăng trưởng liên tục. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu 6,5% vào cuối năm 2017, kéo theo tăng trưởng của nhiều ngành hàng, trong đó có FMCG.

Trong bối cảnh đó, Nielsen cho rằng, có nhiều cách để ngành FMCG tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận. Đáng chú ý, trong thời đại của công nghệ số như hiện nay, đã đến lúc các doanh nghiệp FMCG cần phải tập trung vào nguồn tăng trưởng mới là thương mại điện tử - nơi tập hợp những người thường xuyên kết nối với Internet, ít thời gian mua sắm trực tiếp nhưng có mức sẵn sàng chi tiêu khá cao. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện doanh số bán hàng qua thương mại điện tử chỉ mới đạt gần 4 tỷ USD và mục tiêu sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ngoài ra, với thu nhập ngày càng tăng, chất lượng đời sống được cải thiện, người tiêu dùng Việt ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm. Thực tế, các sản phẩm hay ngành hàng có độ an toàn thấp hoặc không tốt cho sức khỏe đang mất dần khách hàng, trong khi những sản phẩm đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và tính tiện lợi tốt hơn trở thành lựa chọn ưu tiên đối với phần lớn người tiêu dùng, như nước uống đóng chai, nước ép trái cây, sản phẩm hữu cơ… Đây là xu hướng các doanh nghiệp ngành FMCG phải chú tâm.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo