Bắc Giang: Phát triển bền vững thương hiệu gà đồi Yên Thế
16:04 - 30/11/2017
(TNNN) – Những năm gần đây, Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn gà nuôi lớn, đứng thứ hai trong cả nước, với quy mô hiện nay đạt hơn 18 triệu con gà, sản lượng khoảng 34.000 tấn. Trong đó, vùng chăn nuôi tập trung chủng loại gà đồi Yên Thế- một đặc sản của địa phương đang được xem là thương hiệu nổi tiếng bởi đây là giống vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. 

Với nhiều ưu điểm nổi trội, chăn nuôi gà đồi đang là lợi thế trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang


 
Tại huyện Yên Thế, tận dụng những ưu thế về vườn đồi, thời gian qua, các cấp, ngành trong huyện cũng đã khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân đẩy mạnh việc phát triển đàn gà. Khác với các giống gà khác, gà đồi Yên Thế có 2 giống chủ lực gồm: Gà Ri lai và gà Mía lai. Đây đều là những giống gà có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, quy mô lớn và đã được ngành chức năng đánh giá cao.

 
Theo thống kê, số gia cầm thương phẩm của huyện được bán ra thị trường ước tính từ 12- 14 triệu con/năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Chăn nuôi gà đồi đã và đang trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Thế nói riêng, đem lại mức thu nhập ổn định từ 50- 100 triệu đồng/năm. Thậm chí, vào những năm gặp thuận lợi, một số hộ đã có mức thu nhập từ 150- 200 triệu đồng. Qua đó cho thấy, hiện nay chăn nuôi gà đồi đang là lợi thế trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp của cả tỉnh.

 
Tín hiệu vui khi số lượng hộ chăn nuôi theo quy mô lớn trên địa bàn ngày càng gia tăng. Có gần 3.000 hộ nuôi từ 500 đến dưới 1.000 con gà/lứa; cá biệt, có những hộ đang nuôi từ 7.000- 9.000 con/lứa và nuôi nhiều lứa trong năm. Toàn huyện cũng đang có 10 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Từ việc chăn nuôi gà đặc sản còn giúp giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương cũng như tăng thu nhập cho người nông dân.

 
Một điển hình nuôi gà giỏi ở địa phương là ông Nguyễn Văn Bẩy ở thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ. Ông Bẩy cho biết: Trang trại của gia đình ông vừa xuất bán xong 700 con gà, trừ hết chi phí còn cho thu lãi khoảng hơn 10 triệu đồng. Hiện gia đình lại tiếp tục nhập đàn và chăm sóc khoảng hơn 1.500 con gà để chuẩn bị cho các dịp lễ, tết sắp tới nhằm nâng cao thu nhập.

 
Ông Bẩy phấn khởi vì gần đây việc nuôi gà của gia đình ông rất thuận lợi, thị trường đầu ra lại ổn định. “Mỗi năm, gia đình tôi cứ luân phiên, gối vụ khoảng hơn 7.000 con gà, sau khi trừ chi phí cũng cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Từ hướng đi tập trung nuôi gà đặc sản mà gia đình tôi cải thiện đời sống, thu nhập tăng cao qua từng năm”- Ông Bẩy vui vẻ nói.

 
Có được những kết quả ấy chính là một phần nhờ vào Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016- 2020 của huyện đang được địa phương triển khai rộng rãi. Theo đó, thay vì nuôi giống gà Mía lai cho hiệu quả thấp như trước đây, ông Bẩy được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống, cấp phát các chế phẩm sinh học để nuôi giống gà Ri lai đem lại hiệu quả cao hơn.

 
Hiện trên toàn địa bàn xã Đồng Kỳ còn có 13 hộ gia đình ở các thôn Trại Đảng và Đồng Lân cũng đang được hỗ trợ để nuôi hơn 10.000 con gà thương phẩm. Tính bình quân mức lợi nhuận đạt được từ 15- 17 triệu đồng cho 1.000 con gà/hộ.

 
Một mô hình thành công khác đang tiến hành nuôi gà theo quy trình VietGap là của anh Đỗ Thanh Hải ở thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm. Anh Hải cho biết: Gia đình anh nuôi mỗi một lứa gà khoảng từ 3.000- 5.000 con; sau thời gian chăm sóc từ 4,5 - 5 tháng là có thể cho xuất chuồng. Trừ hết chi phí, anh còn thu lãi từ 15- 20 triệu đồng/1.000 con gà.

 
“Được tham gia vào chương trình VietGap nên người chăn nuôi rất yên tâm. Mặc dù vừa qua trên thị trường đầu ra có nhiều biến động về giá cả, tuy nhiên sản phẩm của gia đình tôi vẫn được tiêu thụ ổn định, đảm bảo thu nhập”- Anh Hải phấn khởi chia sẻ.

 
Để bảo vệ, phát triển bền vững thương hiệu gà đồi Yên Thế, những năm qua, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng của huyện vẫn luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

 
Theo đó, tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các ngành tích cực thực hiện Đề án sản xuất, cung ứng gà cho thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác trong cả nước; đồng thời, nâng cao chất lượng giống gia cầm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, liên kết giữa chăn nuôi - tiêu thụ. Trong đó, tập trung cho Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016- 2020 làm điển hình.

 
Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh và huyện đều dành kinh phí hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ bà con nuôi gà đồi trong việc chuẩn hóa và thực hành quy trình an toàn sinh học, VietGAP. Các giống gà chủ yếu được lai tạo, thuần hóa gồm: Gà Ri lai (chiếm khoảng 55%); gà Mía lai (khoảng 35%); còn lại là gà lai chọi, lai Hồ, lai Đông Tảo… 

 
Kể từ năm 2015 đến nay, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thuộc Viện Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã nghiên cứu, triển khai các mô hình chăn nuôi giống gà hướng trứng, hướng thịt. Ngoài ra còn lai tạo thành công giống gà thuần chủng, mang đặc trưng riêng của Yên Thế. 

 
Không chỉ chú trọng khâu chuẩn hóa con giống, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh và huyện cũng đã thực hiện tốt việc liên kết giữa khâu sản xuất với tiêu thụ. Các nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã cũng theo đó dần được hình thành. Khi tham gia vào Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các hộ đều phải tuân thủ đúng những quy định, thời gian chăm sóc được ghi chép đầy đủ, theo dõi chặt chẽ theo quy trình VietGAP…

 
Đáng chú ý, từ tháng 7/2017, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế được thành lập. Đến nay, đơn vị đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng và đưa vào vận hành lò giết mổ, đóng gói sản phẩm hiện đại với quy mô 3 nghìn con/ngày. Hiện nay, Hợp tác xã cũng đã ký kết xong các hợp đồng chăn nuôi, qua đó cam kết sẽ tiêu thụ hơn 60.000 con gà của 30 hộ dân trên địa bàn. Giá thu mua được ấn định ở mức ổn định từ 68- 70.000 đồng/kg tùy loại, mức giá này hiện đang cao hơn từ 10- 12.000 đồng/kg so với giá bán trên thị trường nhằm đảm bảo cho các hộ chăn nuôi đều có lãi.

 
Các hộ khi tham gia đều phải cam kết nhập con giống, chăn nuôi tuân thủ theo quy trình hướng dẫn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; ngoài ra còn chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng của Hợp tác xã. Bên cạnh đó, tất cả vật nuôi đều được gắn đai chân, tem truy xuất nguồn gốc ngay từ khi chăn nuôi tới khi giết mổ, đóng gói nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh theo mã của từng hộ.

 
Theo ông Vũ Trí Hải- Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Việc chuẩn hóa con giống đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định tới chất lượng và uy tín của thương hiệu sản phẩm. Vì mặc dù thương hiệu gà đồi Yên Thế đã được xây dựng, phát triển từ nhiều năm nay nhưng do chưa được kiểm soát chặt chẽ, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tự ấp nở, mua giống trôi nổi nên chất lượng gà không đồng đều. Hiện nay, con giống được chuẩn hóa, kiểm soát tốt về chất lượng sẽ thúc đẩy thương hiệu phát triển ngày càng bền vững hơn.

 
Để giúp cho sản phẩm đặc sản của địa phương đi xa và bền vững hơn, ông Dương Văn Thái- Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc chuẩn hóa, thống nhất mẫu mã, hình thức tem nhãn cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” để sử dụng cho các lô gà thương phẩm xuất bán, đảm bảo đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.
 

“Các điểm bán, quầy lưu động, các xe vận chuyển hàng, lồng nhốt... đều được gắn logo thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” trong hoạt động và lưu thông. Đồng thời tăng cường quản lý thương hiệu hàng hóa, gắn trách nhiệm duy trì, bảo vệ thương hiệu đến từng hộ chăn nuôi; chứng nhận, cấp quyền sử dụng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” cho các cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn huyện”- Ông Thái nhấn mạnh.
 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất; tập trung chỉ đạo tái cơ cấu phương thức chăn nuôi gà thương phẩm; tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm; tạo điều kiện giúp đỡ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường mối liên kết với các hộ dân trong việc chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Trên cơ sở đó, tạo thành chuỗi sản phẩm khép kín. Tỉnh cũng cần tập trung chỉ đạo để làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…

 

Những năm qua sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã nhận được các giải thưởng cao, như: Nằm trong danh sách “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á”; danh hiệu “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013”; top 50 “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2014”; top 10 “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015” do Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Tạp chí Sở hữu trí tuệ, sáng tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. 

Như Ngọc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo