Hàng loạt khách hàng Nhật trước đây nhập gà của Thái Lan giờ quay sang Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu vui của gà chế biến "made in" Việt Nam.
Đẩy mạnh công suất
Ông Hiếu Nhơn Khưu (còn gọi Jame Hiếu), TGĐ Cty Koyu & Unitek Việt Nam (liên doanh giữa Australia và Nhật Bản, đóng tại KCN Long Bình, TP Biên Hòa) cho biết sau gần 2 tháng, doanh nghiệp (DN) này đã xuất được 4 container với khoảng 100 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Theo đánh giá ban đầu, người tiêu dùng bản địa đánh giá rất cao thịt gà đã qua chế biến của Việt Nam.
|
Tại một dây chuyền gà chế biến của Koyu & Unitek để xuất sang Nhật |
Tuy nhiên, số lượng trên chỉ đủ cho đối tác Koyu Nhật Bản và một số DN khác phân phối vào hệ thống nhà hàng, khách sạn chứ chưa thể cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng. Vì vậy, tháng 11 này, cơ quan thú y Nhật Bản sẽ qua đánh giá thêm dây chuyền chế biến thứ 2 và 3 với công suất 200 tấn sản phẩm/tháng để cấp phép cho Cty. Chậm nhất là đầu tháng 1/2018, DN này sẽ hoạt động cả 3 dây chuyền nâng tổng công suất lên 300 tấn/tháng.
“Có thể nói, khách hàng Nhật không chỉ cần má đùi, cánh gà mà còn cần cả ức gà để làm món hấp, salad. Chúng tôi tin rằng mình đang có cơ hội lớn để bán ức gà sang Nhật vì lâu nay bộ phận này thường bán rất khó ở thị trường nội địa, do thói quen người tiêu dùng không thích. Trước đây, dự tính đến giữa 2018 Cty mới nâng được hết công suất nhà máy, nhưng hiện có thể đưa vào hoạt động sớm hơn”, ông Jame Hiếu nói.
Ngoài việc gấp rút mở rộng thêm nhà máy, ông Jame Hiếu còn quyết định tăng công suất hợp tác nuôi gà gia công tại một số trang trại. Theo đó, tăng số chuồng gà hợp tác gia công từ 28 lên 36 chuồng (trung bình khoảng 20 ngàn con gà/chuồng), từ tháng 11 trở đi đã yêu cầu tăng số chuồng thả gà từ 3 chuồng/tuần lên 4 chuồng/tuần, tăng lứa nuôi từ 4 lên 5 lứa/năm.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết trước đây mỗi ngày Koyu & Unitek bắt khoảng 10 ngàn con gà, nay họ nâng số lượng lên thấp nhất là 13 ngàn con. “Trước mắt, số lượng gà cung cấp cho Cty tăng khoảng 20% và có thể sẽ tăng tiếp trong thời gian tới”, ông Kha hồ hởi nói.
Tăng sản lượng xuất khẩu
Hiện nay, ngoài trang trại của ông Kha, ông Lê Văn Quyết có 8 chuồng gà cũng đã được thú y Nhật cấp phép đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, DN còn ký hợp đồng gia công thêm 6 chuồng gà của ông Nguyễn Văn Ngọc cũng ở Đồng Nai và dự kiến năm 2018 tới, DN sẽ có trong tay hàng triệu con gà xuất khẩu vào thị trường Nhật.
"Từ khi hợp tác gia công với các chủ trang trại, Cty đã nhận được nhiều câu hỏi về tính bền vững của hợp tác này. Với nhu cầu sử dụng thịt gà tại thị trường Nhật còn rất lớn, chúng tôi khẳng định sẽ tiêu thụ hết nguyên liệu cho những cơ sở đã đạt chuẩn”, ông Jame Hiếu khẳng định.
Được biết, hiện Nhật Bản nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thịt gà/năm, trong đó chia đều cho Brazil 420 ngàn tấn, Thái Lan 320 ngàn tấn, Trung Quốc 165 ngàn tấn. Riêng Thái Lan, nước có ngành chăn nuôi tương tự Việt Nam, trong số 320 ngàn tấn thịt gà xuất sang Nhật mỗi năm, có đến 2/3 sản lượng dưới dạng chế biến. Trong khi Việt Nam có lợi thế lao động chăn nuôi, chế biến rẻ, giá thành chăn nuôi không cao hơn Thái nên có tiềm năng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rất lớn.
Cùng với Cty Koyu & Unitek Việt Nam thì C.P Việt Nam cũng được cho là đang gấp rút lập dự án xuất khẩu thịt gà sang Nhật và các nước. Cty này cũng đã có đối tác Nhật Bản yêu cầu mua hàng.
C.P Việt Nam có lợi thế kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi, có sẵn hệ thống trang trại hiện đại, nhà máy thức ăn, con giống khép kín, truy xuất nguồn gốc ở khắp cả nước, có nguồn lực tài chính, được tiếp sức từ C.P Thái Lan nên việc xuất khẩu gà sang Nhật sẽ không quá khó.
Hiện nay, mỗi tháng các hộ nuôi gà cung cấp cho Cty Koyu & Unitek khoảng 500 ngàn con gà thương phẩm. Do nhu cầu mở rộng nhà máy, doanh nghiệp đang mở rộng liên kết với nông dân, mục tiêu tăng lượng gà thương phẩm lên 1,3 triệu con/tháng.